TP Hà Nội có nhiều giống cây ăn quả đặc sản như quýt Tích Giang (Phúc Thọ), nhãn muộn Ðại Thành (Quốc Oai)… Bảo tồn những loài cây ăn quả này là việc làm cần thiết.
Bưởi Mê Linh (bưởi gấc) khi chín, cá vỏ quả, cùi và thịt quả đều có màu đỏ gấc.
Giống quýt Tích Giang ở xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ) nổi tiếng bởi chất lượng thơm ngon, năng suất cao, có thể đạt 100kg quả/cây ở độ tuổi từ 4 đến 5 năm. Điểm nổi bật của quýt Tích Giang là quả to (từ 120 đến 130gam/quả), rất ít hoặc không có hạt. Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho biết, trước đây, diện tích trồng quýt Tích Giang ở địa phương này lên tới vài chục héc ta, nhưng nay, do người dân chuyển sang trồng cây cảnh nên chỉ còn khoảng 3ha. Đây là giống quýt quý hiếm, cần được bảo tồn.
Bưởi đỏ Mê Linh (huyện Mê Linh) cũng là giống cây ăn quả đặc sản quý hiếm nhưng đang đứng trước nguy cơ thoái hóa. Anh Lương Văn Phương, xóm 3, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) cho hay: "Vào khoảng năm 1950, tại thôn Đông Cao xuất hiện giống bưởi lạ với đặc điểm ruột màu đỏ. Ban đầu quả bưởi phát triển như những giống bưởi khác, nhưng từ tháng 8 đến tháng 10 hằng năm, quả bưởi bắt đầu chuyển mã, khi chín vỏ chuyển sang màu vàng rất bắt mắt".
Thông tin về giống bưởi này, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa cho biết, trong lịch sử trồng trọt, khai thác và sử dụng, giống bưởi đỏ Mê Linh có 2 loại, đó là bưởi đỏ "Bánh Men" và bưởi đỏ "Lũm". Đây là hai giống bưởi đỏ có nguồn gen bản địa quý hiếm, giá trị kinh tế cao, có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở nhiều địa phương. Hiện Sở NN&PTNT đang phối hợp với địa phương bảo tồn, phát triển giống bưởi này.
Bưởi đỏ Mê Linh có 2 loại, đó là bưởi đỏ "Bánh Men" và bưởi đỏ "Lũm".
Không riêng giống quýt Tích Giang, bưởi đỏ Mê Linh, mà nhiều giống cây ăn quả đặc sản của Hà Nội đang đứng trước nguy cơ mất dần nguồn gen quý hiếm, bởi sức ép đô thị hóa cùng với sự xói mòn về đất đai, tác động của khí hậu… Do đó, nhiều giống cây ăn quả được coi là quý hiếm rất cần được bảo tồn. Đơn cử như 3 giống cây ăn quả của Hà Nội gồm: Bưởi Diễn, hồng Thạch Thất, quýt Tích Giang đã được xếp vào danh mục những cây trồng quý hiếm cần được bảo tồn theo Quyết định số 80/2005/QĐ-BNN ngày 12-5-2005 của Bộ NN&PTNT.
Để bảo tồn, khôi phục cây ăn quả đặc sản, thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các địa phương rà soát, phân loại, đánh giá nguyên nhân dẫn đến sự thoái hóa về nguồn giống, qua đó có kế hoạch bảo tồn và nhân rộng nguồn giống cây ăn quả đặc sản. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ mở rộng diện tích trồng cây ăn quả từ 17.000 đến 17.500ha, trong đó có 9.000ha trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản.
Hiện nay, nhiều gia đình ở xã Tráng Việt đã tiến hành nhân giống bưởi đỏ theo phương pháp ghép mắt.
Do vậy, việc bảo tồn, lưu giữ giống cây ăn quả đặc sản có vai trò quan trọng. Hiện nay có 2 hình thức bảo tồn nguồn gen là bảo tồn tại chỗ và bảo tồn bên ngoài nơi cư trú tự nhiên của nguồn gen. Trong đó, hình thức bảo tồn tại chỗ có ý nghĩa quan trọng, bởi không chỉ duy trì được sự tiến bộ nguồn gen mà qua thời gian sàng lọc, phương pháp này có thể mở rộng nguồn gen.
0 nhận xét: