Thâm canh sầu riêng là một trong những định hướng của huyện Cát Tiên trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020. Hiện tại, nhiều nông dân ở Cát Tiên đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng và đang có thu nhập cao từ loại cây trồng này.
Chỉ với 6 sào sầu riêng chuyên canh, anh Nguyễn Tuấn Quàng (Thôn 1, xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên) đã thu được lợi nhuận mỗi năm trên 500 triệu đồng. Vườn sầu riêng của gia đình anh Quàng được đánh giá là một trong những vườn sầu riêng đẹp nhất và được ứng dụng kỹ thuật tốt nhất vào trong quá trình canh tác ở huyện Cát Tiên. Với 6 sào trồng gần 100 cây sầu riêng giống Moongthon, đến nay, vườn sầu riêng của gia đình anh Quàng đã cho thu hoạch năm thứ tư. Ở vụ thu hoạch năm nay, vườn sầu riêng của gia đình anh Quàng rất sai quả và có tỷ lệ quả to rất nhiều. Anh Quàng đã tiến hành xử lý kỹ thuật để toàn bộ vườn sầu riêng ra hoa đồng loạt nhằm thu hoạch tất cả quả vào cùng một thời điểm. Ở vụ thu hoạch năm ngoái, sau khi trừ các chi phí đầu tư, gia đình anh Quàng thu lời được 450 triệu đồng. Còn năm nay, với việc ký kết được hợp đồng thu mua tại vườn với giá 51.000/kg và sản lượng ước đạt 15 tấn đã đem lại thu nhập khoảng 750 triệu đồng, trong đó lợi nhuận thu được khoảng 550 triệu đồng.
Ông Lê Doãn Lợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Phổ cho biết: Vườn sầu riêng chuyên canh của gia đình anh Quàng là mô hình trồng sầu riêng cho thu nhập cao nhất ở xã Đức Phổ hiện nay. Từ mô hình này, nhiều hộ dân trong xã đã tham quan, học hỏi và quyết định chuyển đổi một số diện tích đất sản xuất sang trồng cây sầu riêng. Cũng theo ông Lợi, Đức Phổ là một trong những địa bàn có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất huyện Cát Tiên. Toàn xã hiện có 300 ha cây ăn quả, trong đó cây sầu riêng chiếm 50 ha và đã có khoảng 15 ha sầu riêng cho thu hoạch.
Theo thống kê, huyện Cát Tiên có tổng diện tích cây ăn quả là hơn 640 ha, trong đó chủ yếu là các vườn cây ăn quả được trồng xen canh với rất nhiều loại cây như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 của huyện Cát Tiên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, thì mô hình thâm canh cây sầu riêng là một trong những mô hình trọng tâm được huyện Cát Tiên triển khai nhân rộng.
Ông Trần Quang Trừng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên cho biết: Liên quan về việc phát triển và nâng cao giá trị kinh tế từ các vườn cây ăn quả trên địa bàn huyện, Phòng đang tiến hành khảo sát xây dựng đề án cải tạo, nâng cao chất lượng vườn hộ với việc chọn 3 loại cây ăn quả chính để phát triển là: măng cụt, chôm chôm và sầu riêng. Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng liên kết với các doanh nghiệp để phối hợp, hỗ trợ tổ chức các chương trình tập huấn kỹ thuật canh tác, chọn giống, tiêu thụ nông sản… cho nông dân; đồng thời, khuyến khích các hộ nông dân trồng cây ăn quả thành lập các câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã để tăng cường trao đổi kỹ thuật và hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất đối với các loại cây ăn quả của địa phương, trong đó có cây sầu riêng.
0 nhận xét: