Mạnh dạn, nhanh nhạy chuyển đổi từ đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả lâu năm, lão nông Lê Văn Nam ở khu 6, phường Hải Yên, TP Móng Cái đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây nhãn.
Ông Lê Văn Nam bên vườn nhãn trăm triệu.
Tới thăm vườn nhãn sum xuê của gia đình ông Lê Văn Nam, hội viên nông dân khu 6 Hải Yên, TP Móng Cái, chúng tôi không khỏi choáng ngợp, ngút mắt với hàng trăm cây nhãn sai trĩu cành, có cây, chùm quả còn là đà sát mặt đất. Ông Nam hồ hởi cho biết, với giá bán đầu mùa (từ tháng 5 âm lịch) khoảng 35.000/ kg, nay còn hơn 20.000/kg, gia đình ông “lãi ròng” hàng trăm triệu đồng từ 200 gốc nhãn khi mỗi cây cho thu hoạch cả tạ quả. Từ nay đến rằm tháng 7, các thương lái vẫn tiếp tục thu mua nên năm nay, nhà ông “phát tài” nhờ nhãn.
Để có được thành quả này, ông Nam cho biết đã trải qua quá trình nghiên cứu, chuyển đổi, trăn trở tìm hướng đi đúng cho kinh tế gia đình, thoát khỏi đói nghèo, làm giàu bền vững. Quê gốc Hưng Yên, “đi kinh tế mới”, lập nghiệp tại vùng đất pha cát ở Hải Yên, Móng Cái từ những năm 1995, ông nhận thấy chất đất này nếu chỉ trồng hoa màu sẽ rất vất vả mà hiệu quả kinh tế không cao, cho nên, ông quyết định chuyển đổi sang trồng vải, nhãn.
Vườn nhãn ghép có nguồn gốc từ nhãn lồng cho quả ngọt, trái sai, vỏ mỏng, cùi dày.
Đặc biệt, với giống nhãn Miền Thiết Hưng Yên - loại nhãn ghép có nguồn gốc từ nhãn lồng cho quả ngọt, trái sai, vỏ mỏng, cùi dày, chỉ sau 3 năm, ông đã có thể thu hoạch và thu lời liên tiếp trong nhiều năm tiếp theo.
Trên mảnh đất rộng 1 hecta chuyên canh nhãn, gia đình ông Nam đã vươn lên trở thành tấm gương nông dân điển hình của Hải Yên. Khi được hỏi về “bí quyết” làm giàu từ cây nhãn, Ông Nam hiền từ đáp: "Chẳng có bí quyết gì nhiều, chỉ cần biết chăm chỉ, cần cù, chịu khó chăm bón, học hỏi tiến bộ khoa học kỹ thuật và biết “lấy công làm lãi” thì sẽ thành công".
Ông Nam cũng chia sẻ thêm, nếu sản xuất qua nhiều năm mà nhận thấy điều kiện đất đai, khí hậu không phù hợp với loại cây trồng hiện tại thì người nông dân nên mạnh dạn đề xuất chính quyền hỗ trợ chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng giống cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn, tránh trường hợp sản xuất trì trệ dẫn đến bỏ đất, lãng phí đất.
Các thương lái vẫn tiếp tục thu mua nên năm nay nhà ông “phát tài” nhờ nhãn.
Theo ông Nam, ở Móng Cái, với sức mua mạnh, nhu cầu hoa quả sạch rất lớn và giá cả luôn cao, ổn định, chỉ cần người nông dân chăm chỉ, cần cù, biết lựa chọn sản xuất loại cây phù hợp thì nhất định sẽ thắng.
Được biết, cơ cấu kinh tế của Hải Yên chủ yếu là công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tuy nhiên, tận dụng diện tích rộng, nhân dân có kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp do một bộ phận dân cư gốc từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng ra xây dựng kinh tế mới cho nên Hải Yên dù là Phường nhưng rất có lợi thế về nông nghiệp. Cộng với sự quan tâm sâu sát từ phía chính quyền địa phương, sự định hướng đúng đắn, vào cuộc tích cực từ Hội nông dân, nhiều năm qua, không chỉ gia đình ông Nam mà rất nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn phường Hải Yên cũng đã “sống tốt” trên đồng đất, làm giàu bền vững từ nông nghiệp.
Vườn nhãn 200 gốc sai trĩu cành của lão nông Lê Văn Nam.
Từ bài học thành công của cây nhãn Hưng Yên trên đất Hải Yên, hy vọng rằng Móng Cái tiếp tục có những định hướng đúng đắn để phát triển hơn nữa lĩnh vực nông nghiệp gắn với sự phát triển bền vững và lợi thế của vùng đất dịch vụ, du lịch, thương mại sôi động.
0 nhận xét: