Là địa phương trọng điểm nông nghiệp của tỉnh, trong đó cây vải được coi là loại cây ăn quả ưu thế của Đông Triều. Những năm qua, TX Đông Triều luôn đồng hành cùng nông dân trồng vải trong nâng cao chất lượng cây vải và từng bước đưa quả vải thành loại sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị cao.
Cách đây hơn chục năm, vải thiều được coi là cây giảm nghèo của nông dân Đông Triều. Tuy nhiên, thời kỳ này kéo dài không lâu bởi khi đó người nông dân Đông Triều nói riêng, các hộ trồng vải trong cả nước nói chung còn hạn chế về quy trình chăm sóc cây vải. Do áp dụng kỹ thuật trồng cũng như khai thác chưa đúng, dẫn đến sức chịu sâu bệnh kém, chất lượng quả vải không đồng đều, giá bán bấp bênh.
Vào năm 2008, khi vải rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” và “được giá mất mùa” khiến các hộ trồng vải lao đao, những gốc vải to nhiều năm tuổi đã bị đốn hạ để chuyển đổi sang cây trồng khác. Chỉ vài năm, diện tích trồng vải của Đông Triều tụt giảm nghiêm trọng...
Đó là chuyện của 10 năm trước, tình trạng chặt vải ồ ạt đã lùi vào quá khứ. Bởi so sánh giá trị kinh tế với các loại cây trồng khác thì cây vải thiều vẫn có chỗ đứng trong các mặt hàng nông sản có giá trị trên thị trường. Những hộ trồng vải ở Đông Triều đã quyết tâm bảo vệ và hồi sinh cây vải Đông Triều. Đến nay, toàn thị xã còn 948ha vải chín sớm và vải thiều, trồng tập trung ở các xã: Tràng Lương, Bình Khê, An Sinh, Hồng Thái Đông. Năm nay, dự kiến năng suất vải của thị xã bình quân đạt 12 tấn/ha và tổng sản lượng ước đạt trên 11.500 tấn quả.
Ông Phan Thanh Sản, Chủ tịch UBND xã Bình Khê cho biết: “Bình Khê có 550ha vùng trồng cây ăn quả tập trung. Để nâng cao giá trị quả vải, bà con nơi đây đã đưa giống vải chín sớm (u trứng, u lai) vào trồng. Năm 2006, giống vải chín sớm Bình Khê (còn gọi là u trứng) được công nhận là giống chính thức. Hiện cả xã có 25ha vải u trứng. Giống vải này được lưu giữ tại vườn giống của Viện Nghiên cứu Rau quả và Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp miền núi phía Bắc”.
Năm nay, giống vải chín sớm ở Bình Khê và Hồng Thái Đông cho năng suất cao với giá bán đầu mùa từ 38.000-40.000 đồng/kg, hiện đã thu hoạch xong. Đối với diện tích vải thiều đang bắt đầu vào vụ thu hoạch. Dự kiến sản lượng trên 2.000 tấn quả. Trong thời gian tới, Bình Khê sẽ “trẻ hoá” toàn bộ diện tích trồng cây vải thiều, mở rộng diện tích vải chín sớm.
Đánh giá đúng vị trí, tầm quan trọng của cây vải thiều ở Đông Triều, cấp ủy, chính quyền thị xã đã tăng cường hỗ trợ nông dân nâng cao giá trị kinh tế của vải thiều và đưa giống vải chín sớm vào trồng. Năm 2015, thị xã triển khai mô hình đưa quy trình sản xuất vải thiều theo hướng VietGAP tại vùng vải xã Bình Khê vào ứng dụng trên diện tích 20,6ha, với 41 hộ tham gia. Trong đó, Đồng Đò là thôn có diện tích trồng vải theo hướng VietGAP lớn nhất xã Bình Khê. Đồng Đò có 185 hộ dân, hầu hết đều trồng vải, trong đó 41 hộ trồng theo hướng VietGAP, với diện tích 20,8ha.
Bà Nguyễn Thị Nhuộm, thôn Đồng Đò, chia sẻ: “Khi tham gia vào mô hình VietGAP, nông dân trồng vải được hỗ trợ 50% chi phí phân bón, thuốc trừ sâu và được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật từ khâu chăm sóc, tỉa cành đến cách bón phân, phun thuốc trừ sâu, kỹ thuật thu hái cũng như bảo quản để sản phẩm có chất lượng cao nhất. Vì thế, chất lượng quả vải được nâng lên, quả ngọt hơn, màu sắc đẹp hơn và giá trị kinh tế của vải thiều áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap cao hơn vải trồng không áp dụng kỹ thuật VietGAP”.
Trong hai năm qua, Viện Rau quả (Bộ NN&PTNT) tiếp tục triển khai mô hình đưa quy trình sản xuất vải thiều theo hướng VietGAP và GlobalGAP tại vùng vải xã Bình Khê vào ứng dụng với 30ha, đảm bảo tỷ lệ ra hoa, đậu quả, chất lượng, mẫu mã đáp ứng các tiêu chuẩn để tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cùng với đó, để đạt mục tiêu xây dựng, phát triển bền vững các loại cây ăn quả chủ lực trong vùng sản xuất tập trung, năm 2017 UBND tỉnh có Quyết định số 4008/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: Sản xuất vải, na Đông Triều theo quy trình VietGAP đảm bảo an toàn thực phẩm vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của tỉnh giai đoạn 2018-2020. Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT và TX Đông Triều đã lập dự án chi tiết xây dựng, phát triển sản xuất vải thiều, na Đông Triều theo quy trình VietGAP tại 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu (Bình Khê, An Sinh, Việt Dân).
Năm 2016-2017, TX Đông Triều đã triển khai thực hiện Chứng nhận nhãn hiệu tập thể vải thiều Đông Triều và năm 2018 đã nộp hồ sơ tại Cục Sở hữu trí tuệ để cấp Văn bằng bảo hộ.
Mặc dù đạt nhiều kết quả quan trọng, song cái khó hiện nay với các hộ trồng vải Đông Triều chính là thị trường tiêu thụ bền vững. Hiện các hộ trồng vải ở đây chủ yếu bán lẻ tại các chợ trong tỉnh hoặc thông qua thương lái tiêu thụ tại Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và Trung Quốc, nên dễ bị ép giá.
Xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, nâng cao vị thế vải thiều Đông Triều.
Ông Đặng Đình Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế TX Đông Triều cho biết: “Để đảm bảo tiêu thụ ổn định vải thiều Đông Triều thì các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm, thị trường tiêu thụ cho loại quả này là rất cần thiết. Thị xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu và bàn các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm quả vải thiều Đông Triều; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, thương nhân, hợp tác xã, nhóm hộ trồng vải thiều gặp gỡ, giao lưu tìm kiếm đối tác, tìm hiểu nhu cầu, phương thức thu mua, kết nối sản phẩm... Mục tiêu là nâng cao vị thế, chất lượng, thương hiệu quả vải thiều Đông Triều, tạo sức cạnh tranh và chỗ đứng trên thị trường trong, ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu”.
0 nhận xét: