Thứ Ba, 3 tháng 4, 2018

Thanh long ruột đỏ trên đất Thạch Thành

Nhằm giúp nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, huyện Thạch Thành đã triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, phát triển nhiều giống cây, con có hiệu quả kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, một số địa phương trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đưa cây thanh long ruột đỏ H14 từ các tỉnh phía Nam về trồng và đã gặt hái được nhiều thành công.
Trái cây Thanh Hóa, Đặc sản Thanh Hóa, trái cây miền Bắc, Thanh long ruột đỏ H14, chuyển đổi cây trồng, thanh long Thành Tiến, thanh long Thạch Thành, thanh long Thanh Hóa, trồng thanh long
Thanh long ruột đỏ H14 của gia đình ông Nguyễn Đăng Khánh, thôn 6, xã Thành Tiến (Thạch Thành). 
Bà Nguyễn Thị Dung, xã Thành Vân là một trong số  hội viên trồng cây thanh long ruột đỏ H14 của Hội Làm Vườn (HLV) và Trang trại huyện Thạnh Thành, cho biết: Năm 2012, tôi là một trong những người đầu tiên trồng thử nghiệm cây thanh long khi du nhập cây trồng mới này về trang trại tại địa phương. Lúc đầu, tôi đầu tư trồng 700 trụ, một năm sau đó gia đình đã thu hoạch lứa quả đầu tiên. Bà Dung cho biết thêm: So với thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ có quả nhỏ hơn nhưng chất lượng tốt, vị ngọt đậm, ngon hơn thanh long ruột trắng nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay năng suất thanh long ruột đỏ đạt trung bình từ 20 đến 25kg/1trụ/năm. Mỗi năm, trừ chi phí, 1 ha thanh long ruột đỏ sẽ thu được lợi nhuận khoảng 240 đến 250 triệu đồng. So với các cây trồng khác, trồng thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây là cây trồng lâu năm, nên nhiều năm sau mới phải trồng lại. Mặt khác, thanh long ruột đỏ là giống cây không kén đất, không đòi hỏi nhiều nước nên phù hợp với vùng đồi Thạch Thành. Không như nhiều cây trồng dài ngày khác, trồng thanh long chỉ sau một năm đã ra quả với nhiều đợt trong năm. Từ năm thứ 2 trở đi, năng suất quả cao gấp đôi năm thứ nhất, đến năm thứ 3 thì năng suất sẽ gấp 3 lần năm thứ nhất và bắt đầu ổn định về năng suất.

Được sự giới thiệu của cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Thạnh Thành, chúng tôi tìm về trang trại của ông Nguyễn Đăng Khánh, thôn 6, xã Thành Tiến - một trong những trang trại có quy mô về diện tích và số lượng lớn trồng cây thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện. Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn trồng thanh long ruột đỏ (H14), ông Khánh cho biết: Khu vườn này trước đây vốn là khu vườn tạp, vợ chồng tôi đã cải tạo để trồng cây vải nhưng quả nhỏ, vị chua, năng suất thấp. Năm 2009, được sự hỗ trợ kinh phí của UBND tỉnh, sự quan tâm chỉ đạo của HLV tỉnh và huyện Thạch Thành, với diện tích 1,2 ha đất, tôi đã trồng thử nghiệm ban đầu với 1.200 trụ. Sau 3 năm trồng cây thanh long ruột đỏ, thấy hiệu quả kinh tế cao nên tôi quyết định mua thêm 2.000 giống cây thanh long ruột đỏ Long Định I từ Viện Cây ăn quả Miền Nam về trồng để mở rộng quy mô diện tích lên 3 ha. Năm 2013, tổng thu nhập từ cây thanh long ruột đỏ của gia đình là 1,1 tỷ đồng. Những năm gần đây, thu nhập từ trang trại của gia đình mỗi năm đạt hơn 3 tỷ đồng; trong đó, năm 2017, tổng thu nhập từ cây thanh long ruột đỏ đạt hơn 800 triệu đồng, cho lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng. Hiện nay gia đình tôi đang dẫn đầu xã về diện tích lẫn quy mô với 3.200 trụ, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với mức thu nhập từ 4 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng và nhiều lao động thời vụ.
Trái cây Thanh Hóa, Đặc sản Thanh Hóa, trái cây miền Bắc, Thanh long ruột đỏ H14, chuyển đổi cây trồng, thanh long Thành Tiến, thanh long Thạch Thành, thanh long Thanh Hóa, trồng thanh long
Cây thanh long ruột đỏ đã thích nghi, sinh trưởng, phát triển tốt ở đất đồi Thạch Thành.
Hiện, trên địa bàn huyện Thạch Thành có gần 70 ha thanh long ruột đỏ, tập trung tại rải rác ở nhiều xã. Điển hình là xã Thành Tâm, có nhiều chủ vườn phát triển diện tích lớn, như hộ các ông: Bùi Văn Duẩn, hơn 1 ha trồng 1.100 trụ; Diêu Văn Quân, với diện tích gần 2 ha với hơn 2.000 trụ; Hoàng Quốc Văn 6 ha với 7.000 trụ, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng... Ông Hoàng Công Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Tâm, cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã có 52 hộ trồng cây thanh long, với tổng diện tích khoảng 40 ha; trong đó thanh long ruột đỏ H14 là 18 ha, còn lại là thanh long ruột trắng. Sau thời gian trồng thử nghiệm thấy hiệu quả kinh tế của cây thanh long mang lại, xã đã khuyến khích các hộ dân trong xã cải tạo vườn tạp, chuyển đổi đất trồng cây hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây thanh long ruột đỏ. Năm vừa qua, với 30 ha đã cho thu hoạch, tổng giá trị thu nhập từ cây thanh long trên địa bàn xã đạt 12 tỷ đồng.

Qua thực tế, có thể khẳng định cây thanh long ruột đỏ đã thích nghi, sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng quả ngon khi trồng ở những vùng đất đồi Thạch Thành. Những vườn thanh long ruột đỏ đang lấn át dần diện tích đồi hoang và những cây trồng kém hiệu quả của địa phương, mở hướng cho bà con nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo.  

Chia sẻ

Sở hữu:

Cung cấp trái cây đặc sản Miền Tây với chất lượng hàng đầu. Cam kết không sử dụng thuốc thúc chín, chất bảo quản các loại trái cây.

0 nhận xét: