Là huyện có điều kiện thuận lợi phát triển vườn cây ăn trái, thời gian qua, Phong Điền khai thác có hiệu quả lợi thế trên và mang lại nguồn thu nhập cao cho mỗi nông hộ trên cùng diện tích canh tác.
Phát huy kết quả đạt được, huyện Phong Điền tiếp tục chung tay, góp sức cùng bà con nông dân phát triển vườn cây ăn trái, tham gia thị trường xuất khẩu, tạo thương hiệu đặc sản riêng cho Phong Điền và TP Cần Thơ nói chung.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phong Điền, thời gian qua, nhiều vườn cây ăn trái tại huyện cho hiệu quả kinh tế cao hơn 5-10 lần so với trồng lúa. Theo thống kê gần đây, trong tổng số diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện có trên 3.500 ha trồng các loại trái cây ngon và trái cây đặc sản, giúp nông dân có thu nhập cao hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Vú sữa là một trong những loại cây đặc sản, cho thu nhập cao tại huyện Phong Điền.
Với gần 2 ha vườn vú sữa của anh Trần Văn Nhanh, xã viên Hợp tác xã vườn cây ăn trái ấp Trường Khương A, xã Trường Long, trĩu quả, đang cho thu hoạch. Theo gia đình anh Nhanh, vụ vú sữa này, gia đình anh thu hoạch trên 15 tấn, giá bán trung bình 25.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi ki-lô-gram vú sữa cho lợi nhuận gần 20.000 đồng. Anh Trần Văn Nhanh cho biết thêm: “Hơn 5 năm qua, vườn cây vú sữa của gia đình tôi đã cho thu hoạch, cuộc sống gia đình cũng khấm khá từ cây trồng này. Trồng vú sữa dễ chăm sóc, từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 3 tháng. Đặc biệt, khi tham gia hợp tác xã, bà con được liên kết sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật canh tác, chăm sóc, tạo sản phẩm an toàn nên giảm được chi phí sản xuất, tăng giá trị sản phẩm và cho lợi nhuận cao hơn khi chưa vào hợp tác xã”.
Bà con ở Câu lạc bộ trồng vú sữa ấp Tân Hưng, xã Giai Xuân cũng vui mừng, phấn khởi vì vụ mùa vú sữa bội thu, cho lợi nhuận cao. Ông Trương Văn Thể, Chủ nhiệm Câu lạc bộ trồng vú sữa ấp Tân Hưng, cho biết: “Nhiều năm qua, câu lạc bộ hoạt động thuận lợi, như hợp tác đầu tư đê bao, hệ thống tưới tiêu, ứng dụng kỹ thuật chăm sóc và cho vú sữa ra hoa đồng loạt… Nhờ đó chi phí canh tác giảm, vú sữa cho trái đạt chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, câu lạc bộ gặp khó khăn trong việc vận chuyển do đường giao thông ấp nhỏ hẹp, lại bị xuống cấp. Rất mong chính quyền địa phương, huyện Phong Điền có giải pháp nâng cấp, mở rộng đường để việc vận chuyển phân bón, sản phẩm khi thu hoạch được thuận tiện hơn”.
Huyện Phong Điền hiện có trên 1.000 ha vườn cây vú sữa. Trong đó Hợp tác xã vườn cây ăn trái ấp Trường Khương A và Câu lạc bộ trồng vú sữa ấp Tân Hưng là 2 địa điểm trồng vú sữa có diện tích khá lớn tại Phong Điền. Hợp tác xã vườn cây ăn trái ấp Trường Khương A có tổng diện tích canh tác gần 35 ha, trên 30 xã viên; Câu lạc bộ trồng vú sữa ấp Tân Hưng có tổng diện tích trên 24 ha, với 20 thành viên. Thời gian qua, bà con tham gia các mô hình trên được liên kết sản xuất, giảm chi phí canh tác, tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm và cho lợi nhuận khá cao...
Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật TP Cần Thơ, cho biết: “Để ổn định đầu ra cho trái vú sữa và khai thác thị trường xuất khẩu, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã làm cầu nối liên kết với Công ty TNHH Thanh Long Cát Tường (Tiền Giang) bao tiêu sản phẩm, xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Hiện công ty đã khảo sát thực tế và định vị diện tích canh tác vú sữa tại 2 đơn vị này. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, bà con Hợp tác xã vườn cây ăn trái ấp Trường Khương A và Câu lạc bộ trồng vú sữa ấp Tân Hưng phải tuân thủ theo quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn xuất khẩu. Chúng tôi sẽ cử cán bộ chuyên môn phối hợp cùng ngành nông nghiệp hướng dẫn bà con sản xuất đúng theo quy trình, đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong đó ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh trong sản xuất...”.
Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, ngành đã hoàn thành thủ tục và trình Cục Bảo vệ Thực vật cấp mã số quản lý sản phẩm (trái vú sữa). Sau khi có mã số, ngành nông nghiệp sẽ tiến hành các bước hỗ trợ nông dân ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn của đơn vị bao tiêu và xuất khẩu. Tại buổi kiểm tra về hoạt động sản xuất nông nghiệp và kế hoạch canh tác vú sữa xuất khẩu tại huyện Phong Điền, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo: “Ngành nông nghiệp thành phố và huyện Phong Điền khẩn trương triển khai giải pháp hỗ trợ kỹ thuật sản xuất vú sữa cho hợp tác xã và câu lạc bộ, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn xuất khẩu, đồng thời tạo nên thương hiệu vú sữa Cần Thơ đối với các đối tác bên ngoài; kết nối doanh nghiệp cung cấp phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật cho bà con sản xuất; củng cố cơ sở hạ tầng, đảm bảo tưới tiêu, vận chuyển trái cây khi thu hoạch... Đặc biệt, huyện Phong Điền sớm lập quy hoạch phát triển vườn cây ăn trái cùng chủng loại theo vùng, cụm, phù hợp đặc điểm mỗi xã, thị trấn và kết hợp phát triển du lịch sinh thái trong tương lai. Ngoài vú sữa được đầu tư sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, ngành nông nghiệp cần tập trung triển khai đến các loại cây trồng khác, như: xoài, nhãn... đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tạo thương hiệu sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm trên thị trường trong nước và nước ngoài”.
Theo định hướng phát triển đến năm 2020, Phong Điền dự kiến sẽ tăng diện tích trồng cây ăn trái lên 7.500-8.000 ha, tăng thêm từ 1.000-1.500 ha so với hiện nay. Diện tích này được sản xuất theo mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ, thân thiện môi trường, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn xuất khẩu, góp phần tạo thương hiệu trái ngon của Cần Thơ trên thị trường...
0 nhận xét: