Nhiều năm nay, ngoài việc vận động tặng hàng chục ngàn suất quà cho các đối tượng khó khăn, MTTQ huyện Đông Hòa còn có nhiều cách làm sáng tạo, khơi dậy tinh thần tự lực, tăng gia sản xuất trong nhân dân để ổn định, phát triển cuộc sống. Trong đó các mô hình về phát triển kinh tế gia đình đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều hộ thoát nghèo căn cơ…
Tích cực với công tác giảm nghèo
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện đúng các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, phát huy tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, Ban Thường trực MTTQ huyện Đông Hòa có nhiều cách làm để giảm nghèo bền vững. Trước hết là kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ trong khối Mặt trận, đào tạo nâng cao trình độ về lý luận chính trị, chuyên môn cho cán bộ từ huyện đến cơ sở.
Cụ thể trong năm 2017, ngoài việc cử cán bộ Mặt trận của huyện và 10 xã tham gia các lớp bồi dưỡng tập huấn công tác do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức, Ban Thường trực còn phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, Phòng NN-PTNT huyện, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh tổ chức các lớp nâng cao kiến thức cho trên 100 cán bộ.
Ông Nguyễn Tẩn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đông Hòa, cho biết: Việc kết hợp với các đơn vị tổ chức các lớp đào tạo cán bộ nắm vững lý luận cũng như thực tiễn là để áp dụng vào các mặt công tác của Mặt trận. Bởi muốn hướng dẫn người dân thực hiện mô hình về chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả thì bản thân người cán bộ đó, nhất là cán bộ ở cơ sở phải nắm vững kỹ năng, kỹ thuật để giúp bà con, có lúc còn phải trực tiếp hướng dẫn để dân làm theo.
Ngoài ra, để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của công tác Mặt trận, hàng năm mỗi cán bộ, đảng viên trong khối Mặt trận luôn nghiên cứu sáng tạo những biện pháp hay, mô hình có hiệu quả để áp dụng vào thực tế.
Một trong những điểm nổi bật của khối Mặt trận huyện Đông Hòa trong thời gian qua là phát động nhiều đợt thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Theo định kỳ hàng quý, việc thực hiện luôn được gắn với công tác giám sát kiểm tra. Nhờ thực hiện tốt công tác này, những khó khăn trong quá trình thực hiện của người dân đã được giải quyết kịp thời như vay vốn, giải quyết các tranh chấp về mặt bằng sản xuất, chăn nuôi.
Tiếp theo đó là đẩy mạnh công tác vận động Quỹ Vì người nghèo, chăm lo cho các hộ nghèo. Trong năm 2017, cùng với các nguồn hỗ trợ của cấp trên, toàn huyện vận động được gần 1,4 tỉ đồng, vượt hơn 170% chỉ tiêu tỉnh giao. Từ nguồn quỹ này cùng với nguồn vận động được từ các cơ quan, tổ chức từ thiện, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận huyện đã xây 44 nhà Đại đoàn kết giúp hộ nghèo xóa nhà tạm với tổng số tiền trên 1,65 tỉ đồng. Ngoài ra còn trích quỹ hỗ trợ hàng chục ngàn suất quà đối với các đối tượng khó khăn đột xuất, gặp thiên tai hoạn nạn…
Nhiều mô hình giúp giảm nghèo bền vững
Hiện nay, hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đông Hòa đều có các mô hình phát triển kinh tế. Các mô hình chủ yếu là về chăn nuôi heo, gà kết hợp phát triển kinh tế vườn trồng cây ăn quả rất hiệu quả. Từ những mô hình kinh tế này, hàng năm nông dân thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Đơn cử như ở các thôn Uất Lâm, Phước Lâm, Mỹ Hòa (xã Hòa Hiệp Bắc) có nhiều hộ phát triển kinh tế gia đình nhờ các mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học; trồng dừa xiêm. Ông Trần Đình Tuấn, một hộ gia đình nuôi gà, cho biết: “Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi hàng ngàn con gà trên đệm lót sinh học. Đây là mô hình ít tốn công chăm sóc, chi phí làm đệm cũng thấp, gà ít bệnh dịch. Vì vậy, nếu có thị trường tiêu thụ thường xuyên thì thu nhập của nông dân khá ổn định”.
Cũng theo ông Tuấn, với giá bán sỉ 50.000-60.000 đồng/kg, năm vừa qua, ông đã xuất 2 lứa, trừ chi phí, thu nhập gần 100 triệu đồng. Ngoài mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học, huyện Đông Hòa có khá nhiều mô hình khác như trồng sen, nuôi cá do các hội viên Cựu chiến binh đảm nhiệm. Đặc biệt mô hình trồng dừa xiêm đang có rất nhiều triển vọng.
Theo kỹ sư nông học Trương Xuân Đoàn, cán bộ phụ trách xây dựng nông thôn mới xã Hòa Hiệp Bắc thì mô hình trồng dừa xiêm được tiến hành thực nghiệm từ cuối năm 2016, cây dừa phát triển rất tốt. Tỉ lệ cây sống cao (khoảng 90%). Tuy mới trồng gần một năm nhưng nhiều cây đã cao quá đầu người. Nếu được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật thì từ năm thứ ba trở đi, dừa sẽ bắt đầu cho hoa, trái. Và đến năm thứ tư thì mỗi cây sẽ đạt từ 140-160 trái/năm. Mô hình này ngoài giúp bà con có thêm thu nhập, còn góp phần phủ xanh vùng cát trắng ven biển.
“Với nhiều cách làm sáng tạo cũng như thực hiện tốt chương trình phối hợp với các cấp chính quyền, các tổ chức thành viên, Ban Thường trực MTTQ huyện Đông Hòa đã góp phần cùng với địa phương hoàn thành tốt công tác giảm nghèo, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Đông Hòa xứng đáng được nhận nhiều bằng khen của các cấp chính quyền, MTTQ tỉnh”, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Quốc Hoàn nhận xét.
0 nhận xét: