Càng những ngày giáp Tết Nguyên đán, sức hút của vùng bưởi đỏ Tân Lạc càng tăng cao. Dưới bàn tay chăm sóc của người dân nơi đây, những cây bưởi đã trổ nhánh, đơm hoa như chạy đua với thời gian.
Để rồi đến kỳ thu hoạch, lá bưởi cứ xanh thẫm vì hấp thụ no nê ánh sáng. Cành bưởi cứ trĩu trịt, quả như muốn sà hẳn xuống đất vì quá nặng. Quả bưởi thì quả nào quả nấy tròn to, vàng rộm, tép bưởi căng mọng và có vị ngọt lành không thể trộn lẫn. Hấp dẫn đến thế nên thật dễ hiểu khi vào những ngày giáp Tết, người dân nườm nượp kéo đến các xã trồng bưởi của huyện Tân Lạc để tìm mua thứ sản vật tuyệt vời này.
Một trong những ưu điểm lớn nhất của giống bưởi đỏ Tân Lạc là thời vụ thu hoạch quả vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Vốn đã được đánh giá cao về chất lượng, lại biết chọn đúng thời điểm "vàng” để xuất ra thị trường nên gần như năm nào, sản vật này cũng luôn trong tình trạng "cháy hàng” và được giá. Đặc biệt là dịp Tết năm nay. Bởi, vào cuối tháng 11/2017, bưởi đỏ Tân Lạc đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Bưởi đỏ Tân Lạc”. Với sự công nhận này, ngay sau đó, nhiều cơ hội thị trường đã mở ra cho sản phẩm đặc trưng nhất, tiêu biểu nhất của huyện Tân Lạc. Giống như được chắp thêm đôi cánh mạnh mẽ, thương hiệu "Bưởi đỏ Tân Lạc” tiếp tục giúp sản phẩm này vươn xa, chứng tỏ lợi thế cạnh tranh cao tại các thị trường trong và ngoài tỉnh. Không chỉ được mùa, được giá, sức hút của bưởi đỏ Tân Lạc còn được thể hiện ở chỗ "tiếng lành đồn xa”, nhiều người đã tìm đến tận nơi để thăm quan, thưởng thức món sản vật hấp dẫn này. Nhiều đối tác tiềm năng đã tìm đến người trồng bưởi Tân Lạc để ký kết những bản hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hứa hẹn giá trị kinh tế cao và ổn định.
Anh Phạm Khắc Thường, Chủ nhiệm HTX Sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc phấn khởi cho biết: Đây là năm đầu tiên chúng tôi xuất bán sản phẩm ra thị trường và đến thời điểm này đã đón nhận những tín hiệu phản hồi rất tích cực từ đối tác là các siêu thị, nhà phân phối bán lẻ có uy tín trên toàn quốc. HTX hiện có khoảng 30 ha canh tác cây ăn quả, trong đó diện tích bưởi đỏ là chủ yếu và niên vụ 2017 - 2018 bắt đầu cho thu hoạch khoảng 7 ha. Tất cả diện tích này đều được áp dụng quy trình sản xuất VietGAP. Cùng với đó, HTX còn đầu tư dây chuyền công nghệ xử lý rửa, phân loại, đóng gói và bảo quản quả bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo mang đến những sản phẩm có chất lượng tốt nhất tự hào mang nhãn hiệu tập thể "Bưởi đỏ Tân Lạc”, đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của thị trường dịp Tết năm nay.
Với khoảng 350 ha đang cho thu hoạch rộ, vụ bưởi năm nay mang tới cái Tết hân hoan và no ấm cho hàng trăm hộ trồng bưởi của huyện Tân Lạc. Theo đánh giá của UBND huyện, bình quân mỗi ha canh tác bưởi đến kỳ thu hoạch năm nay sẽ mang về cho chủ nhân nguồn thu nhập khoảng 700 triệu đồng, cá biệt có hộ cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/ ha. Chính vì có giá trị kinh tế cao vượt bậc so với các loại cây trồng khác nên vài năm gần đây, huyện đã chú trọng mở rộng diện tích trồng bưởi với hai loại chủ lực là bưởi đỏ và bưởi da xanh. Đây là hai giống bưởi phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương, có khả năng sinh trưởng, phát triển và chống chịu các loại sâu bệnh tốt, đồng thời cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt, do có thời vụ thu hoạch quả vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian thu quả kéo dài nên bưởi Tân Lạc đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, có lợi thế cạnh tranh so với các loại nông sản đặc sản khác mỗi dịp Tết đến, xuân về. Năm 2013, tổng diện tích bưởi của huyện Tân Lạc có gần 110 ha thì đến nay, con số này đã tăng lên khoảng 992 ha. Diện tích tập trung nhiều nhất tại các xã vùng dọc quốc lộ 12B và quốc lộ 6, trong đó, một số xã phát triển nhanh diện tích trồng bưởi là Đông Lai, Thanh Hối, Tử Nê, Ngọc Mỹ, Quy Hậu, Mãn Đức, Phong Phú...
Với sự xuất hiện đầy thuyết phục của cây bưởi trên đồng đất quê hương, huyện Tân Lạc đang từng ngày vươn lên từ gian khó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân vài năm gần đây đạt khoảng 13,3%, thu nhập bình quân đạt khoảng 34,21 triệu đồng/người/năm, cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực mang tới những cơ hội đổi đời cho người nông dân nơi đây.
0 nhận xét: