Từng được mệnh danh là “vương quốc nhãn” của TX. Cai Lậy, nhưng thời gian gần đây, diện tích nhãn trên địa bàn xã Nhị Quý đã suy giảm đáng kể.
Giá nhãn bấp bênh
Xã Nhị Quý được biết đến với giống nhãn địa phương trồng trên đất giồng ở ấp Quý Chánh và Quý Thành, nhiều người gọi đó là nhãn Nhị Quý hoặc nhãn giồng Nhị Quý. Đây là giống nhãn cho trái to, mùi thơm dịu, vị ngọt. Giống nhãn này có thể trồng được ở các vùng khác trong tỉnh, nhưng trồng nhãn cho trái to, có vị ngọt dịu chỉ có vùng đất giồng xã Nhị Quý. Những năm 90 của thế kỷ trước, giống nhãn này bán được giá, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu. Tuy vậy, đến khoảng năm 2000, giá nhãn trồng trên đất giồng Nhị Quý giảm mạnh do không thể cạnh tranh với giống nhãn da bò (còn gọi là nhãn tiêu Huế - hay nhãn tiêu quế), có ưu điểm hột nhỏ, cơm dày. Vì vậy, người dân ở xã Nhị Quý ồ ạt đốn giống nhãn địa phương để trồng nhãn da bò. Ông Nguyễn Văn Ý, ấp Quý Chánh cho biết: “Nhãn giồng Nhị Quý nức tiếng một thời, đốn bỏ đi bà con cũng tiếc lắm. Nhưng vì hiệu quả kinh tế thấp, người dân đành phải lựa chọn loại cây trồng mang hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Lúc đầu, nhãn da bò cho năng suất tốt, bán được giá (có thời điểm lên đến 22.000 đồng/kg), nhà vườn thu được lãi cao. Thế nhưng từ năm 2015, nhãn da bò xuất hiện nhiều bệnh ảnh hưởng đến năng suất, đặc biệt là bệnh chổi rồng khó chữa trị. Cùng với đó, giá loại nhãn này cũng thường xuyên xuống thấp khiến người trồng lao đao. Anh Nguyễn Ly Băng, ấp Quý Phước cho biết: “Năm 2015, giá nhãn da bò chỉ có 5.000 đồng/kg, người trồng lỗ nặng. Năm 2016, giá nhãn da bò nhích lên ở mức từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, còn năm nay dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Dù vậy, với mức giá này, người trồng chỉ từ huề vốn đến lỗ. Giá cả bấp bênh nên ăn hết mùa này, tôi cũng sẽ chuyển sang trồng cây khác”.
Nhãn da bò thất thế, những năm gần đây, nhiều nhà vườn chuyển tiếp sang trồng nhãn xuồng cơm vàng. Tuy nhiên, theo nhiều nông dân, nhãn xuồng cơm vàng có một số hạn chế là năng suất không cao, nếu chăm sóc không đúng cách trái rất dễ bị rụng. Ngoài ra, đối với giống nhãn này, người dân không thể xử lý cho trái nghịch vụ (mỗi năm chỉ cho trái 1 vụ từ tháng 7 đến tháng 10). Trước tình trạng trên, có nhiều nông dân đã chuyển sang trồng sầu riêng, vú sữa..., dù biết rằng vùng đất giồng trồng các loại cây này không thể cho năng suất cao.
Theo số liệu thống kê của UBND xã Nhị Quý, thời gian qua, diện tích trồng nhãn trên địa bàn xã đã giảm đáng kể, trong đó giảm mạnh nhất là từ năm 2015 đến nay, giảm từ 447 ha xuống còn 216 ha.
Nhãn VietGAP cũng thất bại
Tổ hợp tác Nhãn Nhị Quý (trồng nhãn da bò) được cấp chứng nhận VietGAP vào năm 2011 đã mở ra hy vọng lớn cho người trồng nhãn ở vùng đất Nhị Quý. Bước đầu mô hình hoạt động khả quan khi số hộ tham gia trồng nhãn theo tiêu chuẩn trên được mở rộng lên đến 97 hộ vào năm 2015. Thế nhưng, do giá nhãn bấp bênh, trong thời gian qua số hộ tham gia mô hình trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP đã giảm xuống chỉ còn 30 hộ, với diện tích dưới 20 ha. Ông Lê Trung Hiếu, Tổ trưởng Tổ hợp tác Nhãn Nhị Quý cho biết: “Các hộ sản xuất đúng quy trình, cho ra sản phẩm chất lượng nhưng không tìm được đầu ra. Do đó, đến hạn tái công nhận tiêu chuẩn VietGAP vào đầu năm 2017, các hộ tham gia mô hình chưa đồng ý tái công nhận tiêu chuẩn trên vì tốn chi phí, trong khi đầu ra không có”.
Để “cứu” Tổ hợp tác Nhãn Nhị Quý, Viện Cây ăn quả miền Nam đã hỗ trợ tổ hợp tác giống nhãn mới LD11 và phân thuốc chăm sóc. Sau nhiều buổi hội thảo, tham quan mô hình cùng với ưu điểm của giống nhãn mới này như: Cho năng suất cao, ít sâu bệnh, hột nhỏ, cơm dày, đến nay tổ hợp tác trồng được khoảng 5 ha giống nhãn LD11 (tính cả diện tích trồng xen canh). Giống nhãn mới LD11 tiếp tục mang đến hy vọng cho nhà vườn trồng nhãn xã Nhị Quý.
Trải qua những thăng trầm với nhiều giống nhãn khác nhau nhưng dường như cây nhãn vẫn tiếp tục “thử lòng” người dân nơi đây. Tôi chợt thấy day dứt khi nhớ lại câu đã nằm lòng với người dân Nhị Quý: “Về Nhị Quý còn thơm mùi nhãn chín - Đến Long Trung thêm ngọt vị sầu riêng”. Day dứt là bởi cây sầu riêng đang phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Long Trung, còn cây nhãn vẫn đang là nỗi buồn của người dân xã Nhị Quý, bởi bỏ thì thương mà vương thì tội. Mùi hương thoang thoảng của những trái nhãn giồng Nhị Quý năm nào liệu mai này chỉ còn trong ký ức?
0 nhận xét: