Cam sành đang trở thành cây trồng mũi nhọn phát triển kinh tế tại tỉnh Bình Dương. Loại cây có múi này được nhân rộng cách đây vài năm, bên cạnh các giống bưởi da xanh, chanh không hạt.
Mùa thu hoạch cam sành VietGap tại Bắc Tân Uyên.
Diện tích canh tác cam sành hiện trên 10.000 ha, cho sản lượng 400.000 tấn mỗi năm. Cây trồng chủ yếu tại các xã Đất Cuốc, Tân Mỹ, Thường Tân, Lạc An, Tân Định, Hiếu Liêm… của huyện Bắc Tân Uyên.
Các nhà vườn Bắc Tân Uyên chủ yếu nhân giống cam vô tính bằng phương pháp ghép gốc. Cây sinh trưởng tốt trên nền đất đồi, khí hậu nóng ẩm mưa nhiều của huyện. Với những vườn diện tích lớn, nông dân đầu tư lưới chăng nhằm hạn chế ánh nắng mặt trời chiếu vào, đảm bảo mẫu mã cam đẹp, không nám hay khô nước.
Nông dân chỉ thu hoạch một vụ trong năm, thời gian bắt đầu từ khoảng tháng 9-10 dương lịch. Trọng lượng trung bình khoảng 350g mỗi trái. Người trồng dùng kéo để cắt cuống; nếu quả ở trên cao sẽ dùng vợt, sào hái xuống.
Theo người trồng, mỗi ha cam sành có thể cho năng suất lên đến 40-45 tấn. Cam sành trồng theo chuẩn VietGap cho quả ngọt thanh, ruột vàng và mọng nước. Quả có vỏ dày xanh thẫm, hơi sần sùi, khi chín hơi ngả vàng.
Để chọn được quả ngon, người tiêu dùng nên chọn loại bóng vỏ, cầm nặng tay, cam chín tự nhiên có màu hơi vàng dưới đáy quả. Tránh mua những trái có màu vàng tươi, vì có thể là quả rụng sớm, vị nhạt và chua.
Nếu bôi vôi tôi vào cuống quả hoặc vùi trong cát, có thể bảo quản được 2-3 tháng. Tuy nhiên, công tác vận chuyển tỉnh xa để cam tươi ngon vẫn còn nhiều hạn chế.
Ngày 14/8 vừa qua, Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “cam Bắc Tân Uyên” cho tỉnh Bình Dương. Nhãn hiệu không chỉ giúp người tiêu dùng nhận diện trải cây sạch, mà còn giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tại địa phương.
Hiện cam sành Bắc Tân Uyên chủ yếu được thương lái thu mua tại vườn, còn lại bán tại các chợ đầu mối. Ngoài địa bàn Bình Dương, trái cây còn tiêu thụ tại TP HCM, Hà Nội…
0 nhận xét: