Đắk Mil (Đắk Nông) là vùng đất có lợi thế về trồng bơ với một số giống bơ ngon, cho trái nhiều. Tuy nhiên, qua thời gian dài canh tác, một số giống bơ đã dần thoái hóa, cho quả ít, chất lượng không cao.
Trước tình hình này, thời gian gần đây, một số nông dân đã mạnh dạn thực hiện việc ghép cải tạo vườn cây và đã thành công, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.
Một trong những người đi đầu trong việc ghép cải tạo bơ trên địa bàn là ông Đàm Xuân Thanh, ở thôn 9 B, xã Đắk Lao (Đắk Mil). Ông đã thực hiện việc ghép cải tạo vườn cây từ năm 2012. Theo ông Thanh thì gia đình có một gốc bơ to, cho quả khá ổn định và ngon với khoảng 20 năm tuổi. Ông thường gọi cây này là cây mẹ, trong khi đó, những cây bơ khác quả ít, chất lượng quả thấp. Vì thế, ông nảy ra ý tưởng là nhân rộng giống bơ tốt bằng cách ghép chồi.
Phương pháp mà ông thực hiện cũng khá đơn giản như lấy chồi từ cây mẹ rồi ghép, khi chồi đã sống thì cưa ngọn, hoặc cưa ngọn trước xong rồi ghép chồi. Khoảng 2 năm sau cây bơ ghép đã cho quả. Từ chỗ chỉ ghép thử nghiệm, hiện nay toàn bộ bơ trồng xen trong vườn cà phê đều đã được ông ghép cải tạo với khoảng 2.000 cây.
Theo ông Thanh, ngoài việc cho trái sau khi ghép từ 1-2 năm thì ưu điểm của kỹ thuật ghép cải tạo cây bơ là bà con có thể tận dụng được gốc ghép đã lớn, khỏe mạnh, không phải chặt bỏ cây để trồng mới. Nếu ghép hỏng, nhà nông có thể ghép lại mà không ảnh hưởng đến cây. Những cây lớn, có thể ghép nhiều giống bơ trên cùng một cây giúp tăng thu nhập. Với khoảng 2.000 gốc bơ, trong đó 1.000 cây đã cho quả, trung bình mỗi năm gia đình ông Thanh thu về khoảng 600 triệu đồng, tăng gấp nhiều lần so với vườn bơ chưa ghép cải tạo trước đây.
Nói về kinh nghiệm của mình, ông Thanh cho biết: “Giai đoạn quan trọng nhất là khi chồi ghép đã sống. Lúc này chồi non, ngọt rất dễ bị các loại côn trùng chích, hút nhựa, cắn ngang dẫn đến bị chết, còi cọc. Để bảo vệ chồi an toàn, tôi tạo không gian xung quanh thông thoáng, sử dụng viên long não cho vào túi bóng có đục lỗ hay bỏ vào lon bia để treo lên cây, vừa an toàn vừa tiết kiệm mà hiệu quả xua đuổi côn trùng cao”.
Tương tự, ông Đậu Huy Lộc, ở thôn Đức Thắng, xã Đức Mạnh chỉ có 3 sào đất trồng bơ nhưng từ nhiều năm, gia đình luôn có nguồn thu nhập cao. Ông đã biết sản xuất một cách hợp lý, áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào tất cả các khâu, trong đó, quyết định nhất là ghép cải tạo vườn bơ bằng các giống chất lượng. Hiện nay ông có 200 cây bơ booth 7 kinh doanh. Hàng năm đạt khoảng 20 tấn quả, với giá bán trái vụ trung bình khoảng 40.000 đồng/kg, gia đình thu về 800 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất, đạt mức lãi khoảng 500 triệu đồng.
Nói về phương pháp này, ông Lộc cho biết: “Chất lượng nguồn chồi ghép tốt có ý nghĩa quan trọng đến hiệu quả kinh tế về sau của cây bơ. Vì thế, chồi phải được lấy từ cây có phẩm chất cao như sạch bệnh, cơm dày, dẻo, béo thì thị trường mới ưa chuộng. Khi chăm sóc tôi chú ý bón phân cân đối, bón nhiều phân hữu cơ để cây sinh trưởng khỏe, bền, tránh hiện tượng năm được mùa, năm mất mùa”.
Theo thống kê, toàn huyện Đắk Mil hiện có khoảng 200 ha bơ, chủ yếu được trồng xen trong vườn cà phê với sản lượng hàng năm không cao (năm 2016 khoảng 1.800 tấn). Vì thế, việc cải tạo loại cây trồng này theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng đang được địa phương quan tâm.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Hằng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đắk Mil thì có 2 phương pháp ghép cải tạo bơ, đó là ghép đầu cành và ghép thân, tức ghép vỏ, ghép mắt. Mỗi phương pháp đều có ưu điểm riêng, tùy theo nhu cầu và tình trạng gốc ghép mà bà con có thể chọn 1 trong 2 cách. Đối với ghép đầu cành thì nhanh ra quả, nhất là khi chọn chồi bông, tỷ lệ sống cao, nhưng chỉ thích hợp với gốc ghép 1-2 năm tuổi, gốc ghép lớn hơn sẽ tốn nhiều chồi, khó quản lý các chồi vượt, chồi con từ gốc ghép. Ghép thân, tốn ít chồi, dễ quản lý, sau khi ghép thành công có thể cưa ngang thân nuôi 1-2 chồi đã ghép, như vậy tỷ lệ nhầm lẫn do nuôi nhầm chồi sẽ ít hơn. Bên cạnh đó, chồi sẽ phát triển khỏe mạnh, dễ dàng tạo hình, tạo tán sau này, có thể thực hiện trên những cây bơ nhiều năm tuổi. Hiện nay, qua các lớp tập huấn, hội thảo của mình, Trạm Khuyến nông huyện đã khuyến khích bà con thực hiện ghép cải tạo bơ để tăng thu nhập vườn cây. Hiện nay, giống bơ Thành Bích ở thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) đã được Sở Nông nghiệp- PTNT công nhận là cây đầu dòng. Đây chính là một trong những lợi thế để người dân lựa chọn nguồn giống bơ ghép.
0 nhận xét: