Vốn là loại trái cây cung cấp lượng vitamin dồi dào, quả lựu có khả năng giúp nâng cao thể trạng của cơ thể và làm đẹp da. Thế nhưng, với nhiều xuất xứ nhập khẩu và mức giá khác nhau đang khiến nhiều chị em khó phân biệt.
Lựu bắt đầu vào mùa, cũng giống như nhiều loại trái cây khác, giá đầu mùa thường cao hơn rất nhiều khi chính vụ. Thế nhưng, với nhiều người tiêu dùng giá cả chưa phải là yếu tố quyết định để chọn mua trái cây, đặc biệt là trái cây nhập khẩu. Đa phần, người tiêu dùng chọn mua là…do nguồn gốc xuất xứ.
Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay trên thị trường có nhiều loại lựu được nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau. Theo quảng cáo của các cơ sở kinh doanh, lựu nhập khẩu có nguồn gốc từ: Trung Quốc, Peru, Ai Cập…
Trên chợ online lựu Peru được bán với giá 200.000đ/kg size 3 quả/kg, lựu được quảng cáo nhập khẩu từ Ai Cập có nơi bán chỉ 100.000đ/kg, trong khi đó lựu Trung Quốc được người bán quảng cáo hái tại vườn được chào bán với giá 90.000đ/kg, còn tại chợ và các tuyến đường Trần Thái Tông, Trần Cung giá lựu chỉ còn 50 – 60.000đ/kg.
Với nhiều mức giá khác nhau cùng với việc khá linh động trong mỗi lần quảng cáo bán hàng, nhiều shop kinh doanh trái cây online đưa ra mức giá khác nhau khiến người tiêu dùng đặt dấu hỏi về chất lượng và nguồn gốc loại trái cây này.
Đề cập đến giá và chất lượng trái cây nhập khẩu, chị Vũ Hồng Yến – Yên Phụ, Tây Hồ, (HN) người có thâm niên kinh doanh trái cây cho biết, hiện nay trên thị trường trái cây có xuất xứ ngoại rất nhiều, cùng một loại trái cây nhưng có nhiều xuất xứ nên cũng khiến cho người tiêu dùng khó phân biệt.
“Nhất là thị trường online, hoa quả ngoại được bán rất nhiều với vô số mặt hàng như: Nho, cam, táo, lê, cherry, lựu...với vô số mức giá chênh nhau đến cả trăm ngàn đồng. Nhưng đáng ngại nhất là tình trạng “đội lốt” xuất xứ của một số loại trái cây mà không phải người mua nào cũng có thể phân biệt”, chị Yến nói.
“Cùng là cherry nhưng quảng cáo xuất xứ từ Mỹ, New Zealand, Australia…và bán với giá khác nhau. Chưa kể cherry Australia còn chưa được nhập chính ngạch vào Việt Nam. Nếu là hàng “đội lốt” thì người tiêu dùng cũng rất khó phân biệt vì khi đưa ra thị trường, “người bán nói sao người mua nghe vậy” vì thiếu căn cứ xác minh”, chị Yến cho biết.
Mới đây, đại diện Cục Bảo vệ thực vật – Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam chưa cấp giấy phép nhập khẩu đối với quả lựu từ Ai Cập. Nếu có người rao bán lựu Ai Cập, thì có 2 khả năng: Một là hàng nhập lậu, hai là hàng nước khác nhưng “gắn mác” Ai Cập để bán được giá cao hơn.
Vị đại diện này còn cho biết thêm, trên thị trường bán tràn lan cherry được quảng cáo là hàng nhập khẩu từ Australia, nhưng trên thực tế trước tháng 9/2017, Việt Nam chưa có lô hàng cherry nào của Australia được nhập vào Việt Nam theo con đường chính ngạch.
“Một số đơn vị có thể nhập cherry ở đâu đó về Việt Nam, sau đó dán tem nhãn là xuất xứ Australia. Loại cherry này có thể cơ quan chức năng chưa kiểm soát được thì không thể loại trừ”, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho hay.
Tình trạng “thay tên đổi họ” cho trái cây nhập khẩu diễn ra không phải hiếm trên thị trường, không chỉ gắn mác xuất xứ cho các loại trái cây xuất khẩu nổi tiếng, việc “thay tên đổi họ” cho những loại hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc thành trái cây Việt Nam nhằm dễ dàng tiêu thụ tại thị trường trong nước diễn ra vô cùng phổ biến.
Theo đó, cơ quan chức năng đã có những khuyến cáo tới người tiêu dùng khi lựa chọn trái cây nhập khẩu nên lựa chọn cửa hàng uy tín, đặc biệt là sản phẩm phải có nhãn mác rõ ràng và không nên mua trái cây trái vụ.
0 nhận xét: