Trước tình hình dịch bệnh trên cây có múi diễn biến ngày càng phức tạp, việc nhiều hộ dân tại Châu Thành chuyển đổi từ cây có múi sang nhiều loại cây trồng khác không chỉ để cải thiện thu nhập cho các nhà vườn mà còn góp phần hình thành vùng sản xuất nhiều loại cây trồng mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo đó, ngoài cây bưởi năm roi, cam sành, chanh không hạt,... thì hiện nay Châu Thành còn xuất hiện nhiều mô hình canh tác mới như Mít siêu sớm, Xoài Đài loan,... Trong đó, Xoài Đài loan đang là loại cây trồng tiềm năng ở địa phương. Do đây là loại cây dễ chăm sóc, cho năng suất cao, thị trường tiêu thụ mạnh và đặc biệt mang lại giá trị kinh tế cao.
Với diện tích 0,5 ha, cách đây 3 năm trước gia đình anh Trần Văn Nuôi ngụ ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang phải lao đao bởi dịch bệnh vàng đầu làm vườn cam sành của anh sau khi trồng năm thứ 2 bị thiệt hại 100%. Qua khuyến cáo từ các ngành chức năng gia đình anh Nuôi đã mạnh dạng trồng Xoài Đài loan hết phần diện tích của mình.
Anh Nuôi chia sẻ: Trước đây bao nhiêu vốn luyến gia đình anh đã đầu tư cho vườn cam sành và hy vọng sẽ được cho kết quả tốt để làm giàu trên mãnh đất trồng lúa xưa nay, nhưng bao nhiêu hy vọng đã làm anh thất vọng bấy nhiêu.
Vào đầu năm 2015, anh bàn với vợ anh, mạnh dạn đốn bỏ toàn bộ vườn cam sành bị bệnh đồng thời thấy cây xoài là cây dễ trồng, ít sâu bệnh hại nên anh chọn mua cây giống Xoài Đài Loan về trồng cải tạo lại vườn. Cũng nhờ chịu khó tìm tòi, tham quan học hỏi và được dự các lớp tập huấn Khuyến nông tổ chức. Hiện tại vườn Xoài của anh vừa tròn 3 năm tuổi, anh đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật như: cắt tỉa cành tạo tán ngay từ đầu và đã xử lý ra hoa vụ nghịch, cũng như anh đã mạnh dạn tỉa trái nên trái rất đồng đều và đạt loại I trên 90%, đến nay xoài chuẩn bị cho thu hoạch. Dự kiến, vụ này cây tơ cho trái chiến khoảng 3 tấn, giá hiện tại 26.000đ/kg, sau khi trừ chi phí anh còn lãi trên 100 triệu đồng/ha/vụ.
Mô hình này cho thấy, người nông dân biết chịu khó, cần cù siêng năng trong sản xuất, đồng thời biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và nhạy bén trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trước tình hình dịch bệnh trên cây có múi và biến đổi khí hậu hiện nay để sản xuất theo hướng an toàn và bền vững.
0 nhận xét: