Từ chỗ chỉ là cây trồng ăn chơi, đến giờ, cây hồng không hạt đã trở thành cây làm giàu cho nhiều nông hộ ở Bắc Kạn.
Cây hồng đã được cấp chỉ dẫn địa lý, trở thành sản phẩm đặc sản. Bắc Kạn quyết tâm đưa hồng không hạt trở thành nông sản có thương hiệu mang lại giá trị kinh tế cao.
Ngọt thơm vị hồng
Cây hồng không hạt có mặt ở Bắc Kạn từ thủa nào thì vẫn là một câu chuyện dài. Thế nhưng với người dân thôn Nà Chom, xã Quảng Khê (Ba Bể) thì việc trái hồng mang lại thu nhập cao là chuyện hiển hiện trước mắt. Vẫn ngồi trên xe máy chất hai bao tải nặng chịch hồng quả, ông Hứa Văn Bồng phấn khởi: Gia đình tôi chỉ có 30 cây cho thu hoạch trên tổng số 200 cây nhưng vụ vừa qua đã thu được khoảng 01 tấn quả, lợi nhuận thu về hơn 20 triệu đồng. Thời gian tới, những cây còn lại cho thu hoạch thì thu nhập sẽ còn cao hơn.
Trên đỉnh Khưa Dầy ở Nà Chom, một trong những người trồng hồng không hạt nhiều phải nói tới ông Lường Văn Hồ. Từ những năm 1970, sau khai phá đất trên đỉnh núi ông đã trồng vài cây hồng không hạt với ý tưởng lấy quả ăn chơi. Thế nhưng đến giờ ông đã có trong tay 400 cây. Vụ 2016 cho thu hoạch 6 tấn quả, thu nhập 100 triệu đồng. Vụ 2017 này, hầu hết các cây đều cho trái sai trĩu chịt. Ông Hồ giới thiệu cho chúng tôi cây hồng già nhất trong vườn với tuổi đời hơn 30 năm. Gốc cây xù xì, mốc thếch nhưng tán lá vẫn xanh và trái đều tăm tắp, lúc lỉu.
Ở Quảng Khê có khoảng 30ha hồng không hạt thì riêng thôn Nà Chom đã chiếm tới khoảng 20ha. Đất không phụ công người, trái hồng đến vụ thu hoạch được thương lái vào mua tận nơi. Vừa thoăn thoắt dồn hồng không hạt vào bao, chị Lường Thị Khơi, một người buôn hồng chia sẻ: Năm nay chị đã sớm đánh ô tô vào thu mua tại Nà Chom. Giá mua từ 20 – 22 nghìn đồng/kg. Riêng vụ năm 2016, chị đã tiêu thụ khoảng 40 tấn hồng không hạt cho người dân. Hồng sau thu mua được tiêu thụ nhanh tại các tỉnh miền xuôi.
Thấy hiệu quả, hàng loạt hộ dân ở Nà Chom đã tập trung nhân rộng cây hồng không hạt. Ông Mạch Văn Hiếu, một người dân trong thôn cho biết: Hai năm trước ông đã trồng 40 cây hồng không hạt trên đất soi bãi, sau 4 – 5 năm cây sẽ cho thu quả. Giống cây khá đắt với giá từ 80 – 100 nghìn đồng/cây nhưng đầu tư sẽ chắc chắn có lãi.
Lời khẳng định của ông Hiếu là điều xuất phát từ thực tế. Hiện tại, mỗi cây hồng chăm sóc tốt sẽ cho thu trung bình 01 tạ quả/vụ. Mỗi héc ta trồng khoảng 400 cây, giá bán từ 20 nghìn đồng/kg thì có nghĩa mỗi héc ta sẽ cho thu vài trăm triệu đồng là điều khả thi. Thực tế việc thu hàng trăm triệu mỗi vụ hồng ở Nà Chom đã được minh chứng qua mô hình của các hộ như Lường Văn Hồ, Lý Văn Sướng, Đồng Văn Lợi…
Anh Triệu Văn Thế - Chủ tịch Hội nông dân xã Quảng Khê phấn khởi: Nông dân toàn xã đang vay hơn 20 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó sử dụng khoảng 30% số vốn này để trồng hồng.
Việc sản xuất giống hồng ở Quảng Khê mang tính chất truyền thống, người dân địa phương lấy rễ từ những cây hồng đầu dòng, cây hồng ưu tú để giâm thành cây giống, bán với giá 80 – 100 nghìn đồng/cây. Việc nhân giống như vậy làm cho hồng không bị thoái hóa, giữ được giá trị của hồng không hạt.
Nỗ lực đưa hồng không hạt vươn xa
Cây hồng không hạt đã gắn bó với vùng đất Bắc Kạn trên 100 năm. Hiện nay, tại một số xã của huyện Chợ Đồn, huyện Ba Bể, huyện Ngân Sơn vẫn còn những cây hồng gần 100 năm tuổi cho năng suất và chất lượng quả tốt. Cách gọi hồng “không hạt” là nói tới điểm đặc biệt của loại quả này là không có hạt do nhân của hạt bị thoái hóa, trong như thạch, vì vậy, không như các giống hồng khác, khi ăn, hồng không hạt Bắc Kạn có độ giòn. Cũng theo tiếng của dân tộc Tày, hồng không hạt còn được gọi là mác hồng, còn chúng ta hay gọi là hồng ngâm do trước khi ăn, phải ngâm hồng qua nước để khử chát.
Tỉnh Bắc Kạn hiện nay có gần 1.000 ha hồng không hạt, được trồng phân tán ở các huyện Ba Bể, Chợ Đồn và Ngân Sơn, nơi có khí hậu và thổ nhưỡng đặc thù. Hồng không hạt được thu hoạch trước và trong dịp Tết Trung thu nên tiêu thụ rất tốt, giá ổn định. Từ việc duy trì giống hồng địa phương gần 100 năm qua cùng chất lượng đảm bảo, hồng không hạt Bắc Kạn đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2010. Năm 2013, quả hồng không hạt của Bắc Kạn đón nhận thêm vinh dự mới - được công nhận là sản phẩm nằm trong top 100 nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam do Trung ương Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cùng Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo phối hợp thực hiện. Điều đó đã tạo nên thuận lợi cho việc tiêu thụ loại quả đặc sản này, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Xác định tầm quan trọng của loại cây đặc sản hồng không hạt đối với kinh tế địa phương, thời gian qua tỉnh đã chú trọng phát triển loại cây này. Thông qua việc áp dụng các chương trình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, diện tích hồng không hạt tăng dần qua các năm. Để mở rộng diện tích cây hồng, tỉnh đã triển khai một số đề tài, dự án nhằm đánh giá, tuyển chọn cây đầu dòng, nhân giống, xây dựng mô hình thâm canh, cải tạo, phục tráng hồng. Hiện nay, đã bình tuyển được 44 cây đầu dòng có năng suất cao, chất lượng tốt tại huyện Ba Bể, Ngân Sơn và Chợ Đồn; xây dựng được các vườn ươm để hàng năm cung cấp khoảng 20.000 cây giống tốt; xây dựng được 0,5ha vườn cây đầu dòng và trên 30 ha mô hình thâm canh hồng. Từ năm 2010 – 2015, toàn tỉnh đã trồng mới 555ha, nâng tổng diện tích cây hồng không hạt lên 827ha.
Nghị quyết số 04 – NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường giai đoạn 2016 – 2020 đã đề ra mục tiêu phát triển hồng không hạt. UBND tỉnh quyết tâm có 50 ha hồng không hạt canh tác theo quy trình VietGap. Cây hồng không hạt được tin tưởng rằng sẽ phát triển xứng tầm thương hiệu, sánh vai cùng các thương hiệu hoa quả nổi tiếng trong nước trong một tương lai không xa mang lại giá trị kinh tế cao cho nông hộ.
0 nhận xét: