Sau bao năm tìm hướng đi trong sản xuất nông nghiệp, cuối cùng, anh Lưu Thanh Huy (ở tổ dân phố 3, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) cũng đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công với vườn sầu riêng trĩu quả, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Đứng trước mảnh vườn 2ha với bạt ngàn cây ăn quả: mận, mít, măng cụt, trong đó nhiều nhất là sầu riêng với 200 gốc nằm ở thôn Kon Jơ Ri, xã Đăk Rơ Wa – xã vùng ven thành phố Kon Tum, tôi cứ nghĩ mình đang lạc vào vườn cây trái ở Nam bộ.
Anh Huy cho biết, trước đây, mảnh vườn này được bố mẹ anh trồng cà phê, có xen vài cây sầu riêng cho trái sai trĩu quả mỗi năm. Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Đại học Hồng Bàng chuyên ngành kinh tế ngoại thương, anh Huy có xin đi làm mấy nơi nhưng với đồng lương ít ỏi không đủ chi tiêu, lại thêm khát vọng làm giàu nên chưa đầy 2 năm sau đó anh đã bỏ việc, về quê làm kinh tế nông nghiệp.
Tiếp nhận mảnh vườn cà phê 2ha do bố mẹ để lại năng suất hàng năm không cao, anh Huy trăn trở thật nhiều để tìm hướng đi mới cho phát triển kinh tế gia đình. Nhìn thấy trong mảnh vườn có mấy cây sầu riêng năm nào cũng trĩu quả, chất lượng thì không chê vào đâu được, anh Huy đã đưa ra quyết định táo bạo là phá bỏ vườn cà phê để đầu tư trồng sầu riêng.
Để có kiến thức trồng loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao này, anh Huy tìm đến tận các nhà vườn trồng sầu riêng nổi tiếng ở Nam bộ, đặc biệt là vùng Cái Mơn (tỉnh Bến Tre) học hỏi kinh nghiệm. Qua học hỏi và tìm tòi, nghiên cứu, anh Huy dần chuyển diện tích trồng cà phê của vườn nhà sang trồng sầu riêng và một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Vì giá cây giống sầu riêng đắt đỏ (150.000-180.000 đồng/cây), nên anh Huy quyết định không đầu tư trồng một lúc mà trồng dần, lấy ngắn nuôi dài. Một phần diện tích chuyển đổi, anh Huy đầu tư trồng hoa màu, chanh dây, mía; phần còn lại trồng sầu riêng Thái và sầu riêng ri (giống sầu riêng hạt lép cơm vàng). Mỗi năm, anh Huy càng thu hẹp dần diện tích hoa màu để lấy đất trồng loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao này. Đến nay, vườn cây ăn quả của gia đình anh Huy đã phát triển được 200 gốc sầu riêng và nhiều loại cây ăn quả khác như mận, mít, măng cụt…
Anh Huy cho biết, trong số 200 gốc sầu riêng trồng được, đến nay đã có 150 gốc đã cho thu hoạch. Vì cây trồng phù hợp với chất đất nên cho năng suất và hiệu quả kinh tế rất cao. Trung bình 1 cây sầu riêng từ năm thứ 5 trở đi mỗi vụ có thể cho thu hoạch từ 70kg đến 100kg. Tính trung bình giá thị trường 50.000 đồng/kg, mỗi năm vườn cây đã mang lại thu nhập cho gia đình anh khoảng 500 triệu đồng.
Anh Huy nhẩm tính, nếu như trước đây, mỗi năm 1 sào mía cho thu hoạch cao nhất chỉ được 3 triệu đồng nhưng công bỏ ra rất nhiều; trong khi đó, trung bình 1 sào sầu riêng (20 gốc) bắt đầu từ năm thứ 5 trở đi có thể cho thu nhập trung bình cả trăm triệu đồng.
Hiện tại, mặc dù tại thị trường Kon Tum, sầu riêng từ nhiều nơi khác nhập về khá nhiều nhưng vườn cây của gia đình anh Huy không bao giờ lo sợ “ế hàng”, bởi hàng ngày quả thu đến đâu đều có thương lái đặt hàng thu mua hết đến đó. Chất lượng sầu riêng của vườn nhà anh Huy được đánh giá thuộc hàng thơm ngon đặc biệt.
Từ thành công này, anh Huy dự định sắp tới sẽ mở rộng trồng thêm hơn 1ha sầu riêng và các loại cây ăn quả. Đồng thời, để tăng thêm thu nhập và tận dụng quỹ đất vườn cây ăn trái, anh cũng sẽ phát triển thêm mô hình nuôi gà thả vườn.
0 nhận xét: