Thanh trà là loại cây ăn quả đặc sản của xứ Tiên. Đặc biệt do thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu Trà Khân (xã Tiên Hiệp) nên cây thanh trà trồng ở vùng quê này có hương vị ngon ngọt đặc biệt và được thị trường ưa chuộng hơn cả.
Cây thanh trà dễ trồng, thích nghi với vùng gò đồi, chịu nắng, ít bị sâu hại và ít mất mùa so với các loại cây ăn quả khác. Nhánh thanh trà sau khi chiết khỏi cây mẹ đem trồng khoảng 3 - 4 năm bắt đầu cho quả. Trong điều kiện chăm sóc tốt và thời tiết thuận lợi một cây thanh trà sẽ cho khoảng 300 - 350 quả.
Quả thanh trà Trà Khân có vị thanh ngọt, tép màu trắng ngà, ráo nước. Trong điều kiện bảo quản tốt, quả thanh trà có thể để trong vòng một tháng mà không làm suy giảm chất lượng dinh dưỡng.
Cây thanh trà bắt đầu ra hoa vào tháng giêng, đến tháng 7 âm lịch quả bắt đầu chín. Tuy nhiên, khoảng đầu tháng 8 âm lịch là thời điểm thanh trà chín rộ, đúng độ ngon nhất của thanh trà. Lúc còn non thanh trà có màu xanh, khi chín chuyển dần sang màu vàng, mỗi quả nặng khoảng bảy lạng đến một cân.
Theo các nhà nghiên cứu, quả thanh trà không độc, tính mát, có tác dụng trị ho, giải rượu, giúp phòng chống bệnh tiểu đường và cao huyết áp. Vỏ ngoài chứa tinh dầu, vị cay, đắng, tính ấm, có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và trị cảm cúm. Nhiều người còn dùng vỏ ngoài quả thanh trà nấu với các loại cây thảo mộc để tắm, gội đầu làm tóc mềm mại...
Ngoài việc sử dụng như một loại trái cây, thanh trà còn được sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn đặc sản như gỏi thanh trà với ong non vò vẽ, nhộng tằm, vừa ngon miệng vừa giải nhiệt cơ thể.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước, mỗi vụ huyện thu hoạch được khoảng 220 tấn quả thanh trà, ước tính thu về hơn 3 tỷ đồng. Riêng xã Tiên Hiệp có khoảng 80ha với khoảng 15 nghìn cây thanh trà, trong đó có hơn 10 nghìn cây cho quả, mỗi năm thu về gần 1,5 tỷ đồng.
0 nhận xét: