Phần lớn diện tích tự nhiên của xã Ngọc Trung là đồi núi. Những năm qua, xã đã tập trung chỉ đạo, khuyến khích nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế gia trại, kinh tế vườn rừng.
Vì vậy, nhiều đất ven sườn đồi trồng mía, sắn... kém hiệu quả đã được chuyển sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, trong đó có thêm màu xanh tươi tốt của cây dứa gai. Toàn xã hiện có khoảng gần 100 ha trồng dứa gai. Bác Ngô Văn Hòa, thôn Minh Thanh, cho biết: Trước đây toàn bộ 12 sào đất đồi của gia đình bác chủ yếu là trồng mía. Tuy nhiên, thu nhập không cao. Cách đây 2 năm, gia đình bác Hòa đã đưa cây dứa gai vào trồng thay thế cho cây mía.
Theo tính toán của bác Hòa nếu đầu ra, giá cả ổn định, mỗi sào dứa gai cho thu nhập khoảng 15 triệu đồng, gấp khoảng 3 lần so với trồng mía. Cũng theo bác Hòa, chất đất ở vùng đồi Ngọc Trung rất hợp với cây dứa gai, trong tương lai, nếu có doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm dứa gai ở huyện Ngọc Lặc, chắc chắn đời sống người dân sẽ được nâng lên nhiều.
Từ năm 2004 đến nay, xuất phát từ nhu cầu thị trường, diện tích trồng cây dứa gai trên địa bàn huyện liên tục được mở rộng, tập trung chủ yếu ở các xã Cao Thịnh, Ngọc Trung, Quang Trung, Lộc Thịnh. Nếu như năm 2016, toàn huyện có khoảng 407 ha, thì năm 2017 tăng lên 450 ha. Năng suất bình quân của cây dứa gai trên địa bàn huyện đạt hơn 30 tấn/ha, sản lượng 12.282 tấn. Toàn bộ diện tích trồng dứa gai ở Ngọc Lặc được nông dân các xã chuyển từ đất trồng mía, sắn, ngô ở những vùng sườn đồi thấp sang.
Theo đánh giá của bà con, đây là những chân đất phù hợp với cây dứa gai nên năng suất, sản lượng đạt tương đối cao. Với giá bán trên thị trường dao động từ 1.500 đồng đến 8.000 đồng/kg, giá trị hàng hóa của 1 ha dứa gai đạt khoảng 160 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, người trồng có thu nhập bình quân khoảng 80 triệu đồng/ha.
Mặc dù giá trị kinh tế cao hơn so với cây mía, cây ngô nhưng thị trường đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh, người trồng dứa gai phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương mà chưa thực hiện hợp đồng liên kết với các nhà máy, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Vì vậy, quan điểm của huyện Ngọc Lặc, không khuyến khích người nông dân phát triển ồ ạt cây dứa gai, mà chỉ duy trì diện tích khoảng 400 ha.
0 nhận xét: