Tại xã Đức Hạnh (huyện Đức Linh), có hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây hồ tiêu không hiệu quả sang trồng chuối cấy mô xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là hộ anh Nguyễn Văn Vũ ở thôn 2, xã Đức Hạnh.
Anh Vũ chuyển đổi diện tích cây hồ tiêu sang trồng chuối cấy mô xuất khẩu.
Trên diện tích 2 ha trồng hồ tiêu bị bệnh chết nhanh của gia đình, anh Vũ đã mạnh dạn trồng chuối cấy mô xuất khẩu. Trước khi bắt tay triển khai thực hiện mô hình này, anh Vũ ký kết hợp đồng với một công ty đầu tư cây giống, phân bón, hệ thống tưới, phương thức sản xuất và khi thu hoạch bao tiêu sản phẩm.
Bước đầu thực hiện, anh Vũ gặp thuận lợi khi cây chuối rất thích nghi với vùng đất rẫy của xã Đức Hạnh nên phát triển tốt. Sau gần 1 năm trồng thí điểm, mô hình chuối cấy mô của gia đình anh bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Anh Vũ cho biết: “Thuận lợi khi thực hiện mô hình này là công ty cung cấp toàn bộ từ cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kể cả hệ thống tưới tự động và cam kết thu mua lại toàn bộ sản phẩm với giá 1.300 đồng/kg nên nông dân chỉ bỏ công chăm sóc. Hơn 10 tháng trồng, chăm sóc theo đúng quy trình, lứa chuối đầu tiên thu hoạch được 150 tấn, sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi hơn 100 triệu đồng. So với những loại cây trồng khác, trồng chuối cấy mô đạt hiệu quả kinh tế hơn rất nhiều mà không phải lo đầu ra”. Cây chuối sau khi công ty thu hoạch trái xong, vệ sinh cây mẹ, lá, tiếp tục chăm sóc các cây chuối non nên chỉ khoảng 6 tháng sau là có thể thu hoạch đợt tiếp theo.
Sau gần 1 năm trồng thí điểm, mô hình chuối cấy mô của gia đình anh bắt đầu cho thu hoạch.
Trung bình mỗi bụi chuối sẽ cho sản lượng từ 6 - 7 buồng, năng suất từ 25 - 30kg/buồng, năm thứ 2 sản lượng chuối sẽ tăng gấp đôi. Như vậy, từ năm thứ 2, chi phí và công chăm sóc sẽ giảm, thu nhập của gia đình sẽ tăng hơn 2 lần năm thứ nhất.
Được biết, những năm qua, cây tiêu trên địa bàn xã Đức Hạnh nói riêng và huyện Đức Linh nói chung đã bị bệnh chết nhanh trên 80% diện tích, đồng thời giá cả xuống thấp kỷ lục (còn khoảng 50.000 đồng/kg).
Vì vậy, bà con nông dân không còn “mặn mà” với trồng tiêu. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đi đúng chính là giải pháp nhằm tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác cho bà con nông dân, đồng thời tránh tình trạng “được mùa mất giá”.
Anh Vũ ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay khi trồng chuối cấy mô.
Nói về mô hình này, ông Nguyễn Đức Binh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Linh cho biết: “Hiện nay, bà con nông dân huyện rất băn khoăn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi cây tiêu không còn phù hợp với vùng đất Đức Linh. Với hiệu quả ban đầu từ mô hình chuối cấy mô của gia đình anh Vũ, cùng với sự cam kết tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho nông dân. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Đức Linh sẽ vận động, tuyên truyền cho các hộ dân hiểu và phát triển vùng chuyên canh cây chuối trên địa bàn huyện”.
0 nhận xét: