Hiện nay, nông dân các xã trên địa bàn huyện Phù Cừ đang tập trung thu hoạch vải. Năm nay, sản lượng vải của huyện tuy giảm nhưng giá bán cao và tiêu thụ thuận lợi hơn so với năm trước.
Nông dân xã Tam Đa (Phù Cừ) thu hoạch vải lai chín sớm.
Huyện Phù Cừ hiện có 750ha trồng vải, chủ yếu là giống vải lai chín sớm, vải trứng tập trung nhiều ở các xã Tam Đa, Minh Tiến, Tiên Tiến... thời điểm này, người dân đang tập trung thu hoạch vải lai chín sớm. Với ưu điểm của vải lai Phù Cừ là vụ thu hoạch quả tươi cách xa vải chính vụ nên thường được giá cao gấp 3 - 5 lần so với vải chính vụ. Theo đánh giá của phòng chuyên môn, đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch được khoảng 50% diện tích, sản lượng quả tươi đạt hơn 7 nghìn tấn, toàn huyện ước thu khoảng 160 tỷ đồng.
Chúng tôi về thăm xã Tam Đa, một trong những địa phương có diện tích trồng vải lớn của huyện. Giữa tiết trời nóng nực của những ngày đầu hạ, trên các ngả đường trong thôn, ngoài xóm đâu đâu cũng thấy màu đỏ rực, mùi thơm quyến rũ, ngọt ngào của những chùm vải lai chín sớm. Hiện xã Tam Đa có trên 200ha trồng vải các loại. Bây giờ đang là thời điểm thu hoạch vì vậy mỗi ngày có hàng chục xe ô tô tải khắp nơi về xã để mua vải mang đi nơi khác tiêu thụ.
Trên khắp các vườn, người trồng vải nhanh tay thu hoạch, vận chuyển vải tới các điểm cân. Vào mùa vải, trên địa bàn xã có khoảng vài chục điểm thu mua, tập kết vải, người dân không phải mang vải đi bán lẻ trên thị trường. Trao đổi với người dân nơi đây, chúng tôi được biết, năm nay vải không sai quả như năm trước nhưng giá bán ổn định và được giá. Từ đầu vụ vải đến nay, giá bán buôn dao động từ 17- 25 nghìn đồng/kg.
Nông dân xã Tam Đa phấn khởi vì vải lai chín sớm được giá.
Anh Trần Văn Vương ở thôn Ngũ Phúc, xã Tam Đa chia sẻ: Năm 2009, gia đình anh trồng vải lai chín sớm với diện tích trên 2 mẫu. Vải lai dễ trồng, dễ chăm sóc, giá bán ổn định, năng suất cao hơn nhiều lần so với cấy lúa. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng vải quả giảm so với năm trước, song chất lượng quả vải được bảo đảm, quả to, mẫu mã đẹp, ngọt thơm, không bị sâu đục cuống quả và giá bán cao. Năm nay ước tính vườn vải cho sản lượng khoảng 10 tấn, gia đình anh thu lãi trên 100 triệu đồng.
Xác định vải là một trong những cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện, những năm qua, bên cạnh tập trung tuyên truyền, tạo điều kiện để nông dân phát triển cây vải, huyện Phù Cừ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Huyện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng các mô hình thâm canh vải theo quy trình VietGap, chương trình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mở rộng mô hình thâm canh vải lai chín sớm; ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ quản lý sâu đục quả vải lai chín sớm" theo phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).
Đến nay, toàn huyện có trên 100ha trồng vải theo tiêu chuẩn VietGap; thành lập được 3 HTX chuyên canh cây vải. Cùng với đó, trong khâu tiêu thụ, huyện quan tâm hỗ trợ nông dân về bao, túi đựng, tem nhãn để việc tiêu thụ được thuận lợi. Đặc biệt, từ năm 2016, vải lai chín sớm đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể, tạo cơ hội xuất khẩu, góp phần nâng cao uy tín thương hiệu vải của huyện.
HTX nông nghiệp Thắng Lợi (Tam Đa) đóng gói quả vải để xuất bán tại siêu thị.
Bà Đồng Thị Thu Hương, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Minh Tiến cho biết: Hiện nay, HTX có trên 21ha trồng vải, 100% diện tích trồng vải của HTX đều áp dụng quy trình sản xuất VietGap. Nhờ áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh theo đúng tiêu chuẩn, chất lượng vải quả của HTX đã được bảo đảm, mã sáng, quả to mọng, ít bị sâu đục cuống.
Vải trứng ở Phù Cừ có giá bình quân 60 nghìn đồng/kg.
Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ cho biết: Hiện nay, ngoài được trồng nhiều ở xã Tam Đa, cây vải lai chín sớm, vải trứng còn được mở rộng diện tích ở nhiều xã trong huyện. Huyện chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương bám sát Kế hoạch của UBND huyện về phát triển trồng cây vải lai chín sớm và vải trứng trên địa bàn huyện Phù Cừ giai đoạn 2017 - 2020.
0 nhận xét: