Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2019

Cần đăng kí nhãn hiệu cho dưa lê Triệu Độ

Từ khi chính quyền địa phương điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng phát huy lợi thế đất đai, khí hậu của địa phương, người dân xã Triệu Độ, Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã mạnh dạn tìm tòi và đưa vào trồng thử nghiệm các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Trong đó, cây dưa lê là giống cây mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường, trở thành loại cây được trồng chủ yếu ở vùng đất bãi bồi ven sông, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
đặc sản Quảng Trị, trái cây Quảng Trị, trái cây miền Trung, trái cây thành cổ, dưa lê Triệu Độ, dưa lê Triệu Phong, dưa lê Quảng Trị, dưa lê miền trung, nhãn hiệu tập thể
Chăm sóc cây dưa lê ở xã Triệu Độ, Triệu Phong.
Người dân xã Triệu Độ từ lâu đã quen canh tác nông nghiệp chủ yếu với cây lúa nước và các loại hoa màu truyền thống nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Những năm gần đây, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, người dân đã chủ động chuyển sang trồng cây dưa lê. Đây là giống cây đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân, đặc biệt là những hộ dân ở các thôn: Gia Độ, Trung Yên, Giáo Liêm. Đây là vùng bãi bồi ven sông có đất cát pha màu mỡ, nguồn nước tưới dồi dào, thuận lợi để cây dưa lê phát triển tốt.

Ông Hồ Hữu Hồng ở thôn Gia Độ là một trong những người đi đầu tìm tòi và đưa vào trồng thử nghiệm giống cây dưa lê. Ông Hồng cho biết, giống cây này dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, người trồng chỉ cần áp dụng đúng lịch thời vụ trồng thì cây sẽ ra hoa và kết trái tốt, đạt năng suất cao. Theo tính toán của ông Hồng, thời gian canh tác của cây dưa lê chỉ trong vòng 3 tháng đã cho thu hoạch. Với giá bán bình quân khoảng 20 nghìn đồng/kg thì mỗi sào dưa mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập khoảng 8 triệu đồng.

Sau khi thấy được hiệu quả kinh tế từ cây dưa lê mang lại, gia đình bà Trần Thị Hạnh, ở thôn Gia Độ cũng đã chuyển đổi toàn bộ gần 3 sào đất trồng khoai lang sang trồng cây dưa lê. Được sự hướng dẫn của ông Hồng, bà Hạnh không gặp nhiều khó khăn trong việc chăm bón, canh tác giống cây này. Kết quả là cùng trên 3 sào đất, thu nhập mỗi vụ từ cây dưa lê khoảng 25 triệu đồng, cao gấp 5 lần so với thu nhập từ cây khoai lang, nhờ đó góp phần làm cho kinh tế gia đình bà ổn định hơn.

Hiện toàn xã Triệu Độ có 7,5 ha đất chuyên trồng giống cây dưa lê. Trung bình mỗi vụ, người dân trong xã thu hoạch được khoảng 30 tấn, trị giá khoảng 600 triệu đồng, cho lợi nhuận ròng khoảng 460 triệu đồng. Đây là mức lợi nhuận cao so với các loại hoa màu mà người dân canh tác trước đây.
đặc sản Quảng Trị, trái cây Quảng Trị, trái cây miền Trung, trái cây thành cổ, dưa lê Triệu Độ, dưa lê Triệu Phong, dưa lê Quảng Trị, dưa lê miền trung, nhãn hiệu tập thể
Trồng dưa lê đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Triệu Độ.
Dưa lê Triệu Độ được trồng bằng phương pháp hữu cơ trên đất cát pha vùng bãi bồi, điều kiện lí tưởng để cây cho quả có mùi vị thơm ngon, ngọt thanh, rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, trước đây đầu ra cho sản phẩm này chủ yếu phụ thuộc vào các thương lái từ thành phố Đông Hà hay thị tứ Bồ Bản về thu mua ngay tại ruộng hoặc người trồng tự mang đi các chợ nhỏ lẻ bán cho người dân trong vùng nên dễ bị ép giá.

Để khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương đã có sáng kiến dán 4.000 tem truy xuất nguồn gốc “Dưa lê Triệu Độ” cho sản phẩm, tiến tới đăng kí nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm dưa lê Triệu Độ. Kinh phí mua tem khoảng 8 triệu đồng do UBND xã trích ngân sách hỗ trợ, giao cán bộ chuyên trách nông nghiệp của xã trực tiếp dán và kiểm định chất lượng. Việc làm này nhằm cung cấp cho thị trường tiêu thụ đúng loại dưa chất lượng, người tiêu dùng dễ truy xuất nguồn gốc, chọn mua đúng sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Hữu Phận, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Độ cho biết: “Hiện nay, chính quyền xã đang phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Phong để tiến hành các thủ tục pháp lí trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Dưa lê Triệu Độ”. Từ đó sẽ chú trọng mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm để đông đảo người tiêu dùng biết đến sản phẩm, đảm bảo cho đầu ra ổn định, mở rộng diện tích trồng trọt, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân”.

Do đặc tính của cây dưa lê ưa ánh nắng mặt trời nhưng cũng cần một lượng nước tưới tiêu lớn, dễ phát bệnh nhện đỏ, đòi hỏi người trồng cần chú ý các kỹ thuật canh tác. Vì vậy bên cạnh hỗ trợ nông dân trong việc tập huấn khoa học kĩ thuật, đăng kí nhãn hiệu và giải quyết đầu ra cho sản phẩm, chính quyền xã Triệu Độ còn khuyến khích người dân đầu tư mở rộng diện tích, thực hiện trồng luân canh, gối vụ để có thể cung cấp cho thị trường sản phẩm dưa lê vào tất cả các mùa trong năm.

Chia sẻ

Sở hữu:

Cung cấp trái cây đặc sản Miền Tây với chất lượng hàng đầu. Cam kết không sử dụng thuốc thúc chín, chất bảo quản các loại trái cây.

0 nhận xét: