Năm 2018, thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả trên đất dốc và chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong đó, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La xác định cây chanh leo là hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc hiện nay.
Vào thời điểm tháng 6/2018, những diện tích cây chanh leo đầu tiên được người dân Sốp Cộp trồng trên diện tích đất nông nghiệp sản xuất truyền thống. Để hỗ trợ nông dân tiếp cận các phương pháp canh tác mới, từ nguồn vốn 30a huyện Sốp Cộp đã triển khai xây dựng Mô hình thí điểm trồng cây chanh leo tại bản Nà Khá xã Dồm Cang, bản Sốp Nặm xã Sốp Cộp, với quy mô 4 ha, các hộ được Nhà nước hỗ trợ 100% giống cây chanh leo Đài Nông I, 50% số trụ bê tông và phân bón, tổng trị giá 162 triệu đồng. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây đúng kỹ thuật và theo dõi quá trình phát triển của cây, kịp thời phát hiện, phòng chống sâu bệnh hại.
Chị Vì Thị Ngoan bản Nà Khá xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La chia sẻ: Năm ngoái gia đình tôi được huyện tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây chanh leo, cùng với sự hỗ trợ về giống, phân bón và vốn để làm nên gia đình tôi đã trồng thử 1 ha cây chanh leo. Do trồng hơi muộn nhưng đến tháng 10 đã thu hoạch được trên 3 tạ quả, bán với giá từ 20 nghìn đồng/1kg. Hiện nay, cây chanh đang tiếp tục ra hoa lứa thứ 2 nên gia đình tôi đang tập trung chăm sóc theo đúng kỹ thuật được hướng dẫn để cây chanh đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất.
Ngoài các mô hình được huyện hỗ trợ, cũng vào thời điểm tháng 6/2018 nhân dân bản Pu Hao, Nong Phụ và bản Cống xã Mường Lạn cũng đã tự đầu tư đưa giống cây chanh leo Đài Nông I về trồng thử nghiệm tại địa phương với tổng diện tích hơn 12 ha. Sau hơn 4 tháng trồng và chăm sóc cây chanh leo của các bản cũng cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Hiện nay, cây chanh đang phủ dàn và các hộ đang tập trung chăm sóc cây chanh để chuẩn bị cho lứa quả thứ 2. Theo dự kiến của các hộ năng suất trung bình năm sẽ đạt khoảng 15 tấn quả/ha.
Anh Giàng A Sồng bản Pu Hao xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La cho biết: Đảng, Nhà nước tuyên truyền trồng cây ăn quả, như mình thấy cây chanh leo hiệu quả nó cao. Gia đình tôi mới trồng thử được một năm và cho thu hoạch nhưng thấy hiệu quả cũng đạt vì mình bán một cân 20 nghìn/kg. Cây chanh leo mình trồng và chăm sóc nó cũng dễ, không như trồng ngô, trồng sắn vì ngô sắn có năm được, năm mất.
Được biết, cây chanh leo dễ trồng, phù hợp với điều kiện thời tiết trên địa bàn, vốn đầu tư giàn, giống cây phù hợp với điều kiện người dân, sau 4 - 5 năm thu hoạch mới phải trồng lại, nếu chăm sóc tốt cây sẽ cho thu liên tục từ 8 - 10 tháng trong năm, năng suất bình quân sẽ đạt từ 25 – 30 tấn/ha. Giống cây chanh leo Đài Nông I đã trồng tại huyện Sốp Cộp có khả năng sinh trưởng tốt, tỷ lệ đậu quả cao, quả to, trung bình khoảng 10 - 12 quả/kg. Để phát triển diện tích cây chanh leo, theo dự kiến, năm 2019 và những năm tiếp theo huyện Sốp Cộp phấn đấu trồng trên 140 ha cây chanh leo trên địa bàn 8 xã. Để cây chanh leo phát triển bền vững và mở ra hướng phát triển kinh tế ở địa phương, UBND huyện cũng đã có định hướng sản xuất, triển khai chính sách hỗ trợ cây giống, vốn, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc và kết nối với doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra ổn định, giúp người dân thực sự yên tâm sản xuất.
Anh Lò Văn Việt, Quyền Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Sốp Cộp: Hiện tại, huyện Sốp Cộp cũng cho bà con trồng thí điểm chanh leo ở Sốp Cộp, Dồm Cang, Mường Và, Mường Lạn, với diện tích 20 ha đã trồng trong năm 2019 này sẽ ước sản lượng đạt khoảng 150 - 180 tấn. Trên cơ sở đó UBND huyện khuyến cáo người dân sử dụng giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Huyện Sốp Cộp sẽ có giải pháp quy hoạch cụ thể vùng phát triển sản xuất cây chanh leo trên địa bàn huyện, hình thành vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao; tổ chức hỗ trợ trồng mới khoảng 15 ha cây chanh leo trong giai đoạn 2018 – 2020.
Ngoài ra, huyện khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, thành lập các tổ hợp tác để thực hiện quy trình kỹ thuật đồng bộ, tự giám sát và học hỏi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Đối với đầu ra, theo chủ trưởng của tỉnh và của huyện là sẽ liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã đứng chân trên địa bàn, còn hiện tại các sản phẩm bà con thu hoạch chỉ nhỏ lẻ cho các tư thương.
Sau hơn 9 tháng triển khai trồng cây chanh leo trên địa bàn huyện, bước đầu đã cho thấy hiệu quả kinh tế và nhận được nhiều sự quân tâm của người dân với mong muốn chuyển đổi đất trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây chanh leo và hướng tìm đầu ra cho sản phẩm. Với những cơ chế, chính sách và định hướng phù hợp, hy vọng rằng trong thời gian tới cây chanh leo sẽ là tiềm lực giúp nhân dân huyện Sốp Cộp phát triển kinh tế bền vững.
0 nhận xét: