Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương vừa nghiệm thu đề tài “Xây dựng mô hình trồng cam Vinh trên vùng đất bãi phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại huyện Thanh Miện”. Đề tài do UBND huyện Thanh Miện thực hiện.
Đề tài mô hình trồng Cam Vinh trên vùng đất bãi của thôn Đồng Chấm, xã Tiền Phong được triển khai từ năm 2016 với diện tích 5ha thí điểm, sau 3 năm, với những ưu điểm vượt trội cùng những lợi thế sẵn có, đến nay xã Tiền Phong đã mở rộng hơn 10ha trồng cây cam Vinh.
Theo đánh giá của Ban chủ nhiệm đề tài và các cơ quan chuyên môn cũng như ghi nhận của người dân, Cam Vinh là cây có khả năng thích ứng rộng, cho năng suất cao và ổn định ở nhiều vùng sinh thái khác nhau, khi chín có màu vàng nhẹ, vỏ mỏng, chất lượng ngọt thanh.
Đây cũng là giống cam ngọt chín muộn, khả năng thích nghi rộng, kháng bệnh tốt, thu hoạch từ cuối tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Cây cân đối, sinh trưởng phát triển tốt, phân cành đều, khả năng ra hoa đậu quả cao. Hiện nay giống cam vinh được ghép mắt trên thân cây bưởi diễn đang cho năng suất rất cao.
Do có nguồn gốc ở vùng Nhiệt đới nóng ẩm vì vậy Cam Vinh có phổ thích ứng rộng, có thể sinh trưởng được trong phạm vi nhiệt độ từ 13-39 0C, thích hợp nhất từ 23-290C.
Năm 2018, là năm đầu tiên cho thu hoạch nhưng đã đạt năng suất ước đạt từ 800 kg đến 1200 kg/sào- tương đương 22 đến 30 tấn/ha, với giá bán buôn tại vườn hiện nay 18.000 đồng/kg, thì 1 sào cam Vinh đã cho thu hoạch 15 –22 triệu đồng. Từ năm thứ 4 trở đi cây cam Vinh cho năng suất cao vượt trội, có thể đạt từ 2 tấn đến 2,5 tấn/sào và tuổi đời cây cam Vinh kéo dài từ 15 đến 20 năm tùy theo điều kiện canh tác.
0 nhận xét: