Từ cuối năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị triển khai mô hình trồng cam thâm canh theo phương thức hữu cơ áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt trên địa bàn 4 huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa và Triệu Phong với tổng diện tích 10 ha. Đến nay, những vườn cây cam Vinh được trồng thử nghiệm đang sinh trưởng tốt, hứa hẹn mang lại nhiều triển vọng…
Mới 9 giờ sáng, ông Phan Văn Luy (60 tuổi) ở thôn 1B xã Hải Thái, huyện Gio Linh đã ra vườn kiểm tra từng ống nước tưới nhỏ giọt được nối đến từng gốc cây cam đang độ lớn. Cạnh đó, vợ và con trai lớn của ông cần mẫn đào đất, rải phân để trồng dặm thêm những cây cam mới. Đầu tháng 9/2018, được chính quyền địa phương cho mượn 0,5ha đất đồi, ông Luy trồng thử nghiệm giống cây cam Vinh.
Bước đầu, ông Luy được hỗ trợ 100% cây giống, 50% kinh phí đầu tư vật tư phân bón và 75% hệ thống nước tưới, còn lại ông tự bỏ tiền đối ứng khoảng 100 triệu đồng để đầu tư thêm hệ thống điện, hàng rào và công làm đất. “Đây là giống cây mới nên chúng tôi tuân thủ đúng theo quy trình kĩ thuật trồng đã được cán bộ khuyến nông hướng dẫn. Trên diện tích 0,5 ha, tôi trồng với mật độ 700 cây/ha, cây cách cây 3,5m, hàng cách hàng 4m…”, ông Luy nói.
Liền kề với thửa đất của ông Luy là vườn cam của ông Võ Viết Dũng (51 tuổi), trú tại thôn 4B. Cũng như ông Luy, trước khi trồng giống cam mới này, ông Dũng cùng nhiều người khác ra thành phố Vinh, Nghệ An để tham quan các mô hình trồng cam Vinh và tham gia nhiều lớp tập huấn, đào tạo kỹ thuật trồng cam, xử lí đất và bón phân cho cây…
“Chúng tôi phải lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt để đảm bảo đủ độ ẩm cho cây. Cách 2-3 ngày, tưới nước 1 lần, mỗi lần tưới khoảng 3 giờ. Bên cạnh đó, vì trồng cam theo hình thức thâm canh hữu cơ nên chúng tôi chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật. Từ quy trình làm đất, bón phân để trồng cây và tỉa cành, chúng tôi đều thực hiện theo quy trình kĩ thuật mà cán bộ nông nghiệp đã hướng dẫn. Hiện tại, cây đang lên rất tốt và đều đẹp”, ông Dũng chia sẻ.
Những vườn cây cam Vinh được trồng thử nghiệm đang sinh trưởng tốt, hứa hẹn mang lại nhiều triển vọng. |
Ở xã Hải Thái, ngoài ông Luy và ông Dũng còn có 2 hộ khác tham gia mô hình trồng cam thâm canh áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt là hộ ông Nguyễn Lưu ở thôn 5B và hộ ông Phạm Quý Chỉ ở thôn 2B. 4 hộ này trồng cam thâm canh trên diện tích 2 ha được chính quyền địa phương cho mượn đất. Chủ tịch UBND xã Hải Thái Nguyễn Dư Anh cho hay, khi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ, xã quyết định chọn ra 4 hộ trên để trồng thử nghiệm giống cây cam Vinh vì thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây khá phù hợp.
2 ha này trước đây là đất trồng cao su của nông trường nên để trồng cây cam, các hộ dân đã thuê máy san ủi đất, tạo mặt bằng rồi chủ động làm hàng rào, nối trụ điện và hệ thống nước tưới để phục vụ canh tác. Theo qui trình kĩ thuật thì trong 3 năm, cây cam sẽ cho thu hoạch bói lứa đầu tiên. Nếu giống cây này đạt hiệu quả thì địa phương sẽ nhân rộng và khuyến khích người dân mở rộng diện tích.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nguyễn Trung Hậu cho biết, mô hình trồng cam thâm canh áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt được triển khai trên địa bàn 4 huyện với diện tích 10 ha từ nguồn vốn của 2 chương trình, đó là chương trình khuyến nông trung ương và chương trình nông thôn mới. Đối với nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến nống trung ương, người trồng cam sẽ được hỗ trợ 100% về cây giống, 50% kinh phí vật tư phân bón và 75% hệ thống nước tưới.
Toàn tỉnh Quảng Trị có 12 hộ thuộc 3 xã: Hải Thái (Gio Linh), Cam Thành (Cam Lộ) và Hướng Tân (Hướng Hoá) trồng thử nghiệm trên 5ha. Trong 5 ha này, có 2 ha ở xã Hải Thái và xã Cam Thành được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt… Đối với chương trình nông thôn mới, có 4 hộ ở xã Triệu Thượng (Triệu Phong) trồng giống cam Vinh trên diện tích 5 ha. Trong đó, nhà nước hỗ trợ 50% cây giống, 30% vật tư phân bón thiết bị.
Để nâng cao hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông tỉnh mở nhiều lớp tập huấn, đào tạo kĩ thuật sử dụng phân bón hữu cơ hoai mục hoặc đã được ủ bằng các chế phẩm vi sinh; kĩ thuật chăm sóc, tỉa cành, tạo tán, ra hoa đúng quy trình; bón phân ở từng thời kì sinh trưởng của cây; nhận biết và phòng trừ sâu bệnh hại; giữ ẩm cho cây trong mùa khô hạn; kĩ thuật thu hoạch và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch…
“Qua thời gian triển khai cho thấy cây sinh trưởng tốt. Đặc tính cây cam Vinh nếu được chăm sóc tốt sẽ cho năng suất cao, số quả bình quân 25 quả/cây, trọng lượng quả bình quân 4 quả/kg. Mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn hiệu quả xã hội. Đó là tác động tích cực về mặt nhận thức, giúp hộ tham gia mô hình cũng như các hộ trồng cam lân cận thay đổi tập quán canh tác”, ông Hậu cho biết thêm.
0 nhận xét: