Thái Hòa là vùng đất có nhiều thế mạnh để phát triển cây có múi. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nông dân địa phương đã, đang gặp nhiều khó khăn trong đầu ra cho một số sản phẩm cây ăn quả, trong đó có cây quýt. Tăng trưởng nóng về diện tích, phá vỡ quy hoạch vùng trồng cây ăn quả tại Thái Hòa rất cần được nghiêm túc nhìn nhận lại.
Ông Chu Xuân Kỳ bên vườn quýt đã chín vàng của mình.
Mùa quýt đã đi được hơn 2/3 chặng đường, thế nhưng vườn quýt với diện tích gần 2ha của hai anh em ông Chu Xuân Kỳ ở khối Nam Cường, phường Quang Phong vẫn chưa bán được. Quýt chín trĩu cả cây nhưng đầu ra không có nên người trồng không mặn mà chăm sóc. Vậy nên quả rụng quanh gốc, người nông dân cũng gần như mặc kệ.
“Quýt chín hết rồi nhưng không có người mua. Có rụng thì cũng để đó chứ giờ biết làm thế nào được. Nói chung quýt dễ trồng, chăm sóc nên ai ai cũng trồng" - Ông Chu Xuân Kỳ, khối Nam Cường, phường Quang Phong, tx Thái Hòa bày tỏ nỗi lo lắng.
Còn tại xã Nghĩa Tiến – vùng trọng tâm trồng quýt tại Thái Hòa thì tình hình có khả quan hơn. Tuy nhiên, giá mỗi kg quýt rớt thảm hại. Vài năm trước đây, mỗi kg quýt có giá 20.000đ thì nay xuống còn khoảng 3 – 5000đ. Gía cả quá thấp nên mặc dù đã bán được hết sản lượng hơn 30 tấn cũng không khiến người trồng như bà Hồ Thị Thanh, xóm 4, xã Nghĩa Tiến vui vẻ.
Quýt rụng đầy vườn là thực trạng phổ biến tại các hộ trồng ở Thái Hòa trong vụ này.
“Giá cả quá bèo nên lấy công làm lãi. Thu nhập của gia đình cũng vì thế mà ảnh hưởng nhiều. Những dự định hầu như phải dẹp bỏ” - bà Thanh chia sẻ.
Trong định hướng phát triển kinh tế, Thái Hòa xác định phát triển diện tích cây có múi. Đến thời điểm hiện tại, diện tích quýt có báo cáo chính thức khoảng gần 30ha, cây cam trên 90ha và bưởi hồng Quang Tiến trên 100ha. Tuy nhiên, ngoài diện tích này, người dân còn trồng tự phát một cách ồ ạt. Do vậy, quy hoạch cây có múi và nhất là quy hoạch vùng trồng quýt bị phá vỡ. Hậu quả trước mắt là sản lượng tăng đột biến, sản phẩm rơi vào tình trạng ứ đọng, bị ép giá, không tiêu thụ được.
“Theo quy hoạch thì địa phương chúng tôi phát triển 30 ha quýt. Thế nhưng hiện tại mới khoảng 10 ha là trồng chính thức. Vấn đề là ở chỗ, các vùng lân cận như Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn cũng phát triển ồ ạt cây trồng này dẫn đến tình trạng cung quá cầu. Do vậy khó khăn rất nhiều. Vậy nên trong định hướng cây trồng địa phương sẽ phải thay đổi và phải nghiêm ngặt hơn với việc tự phát, phá vỡ quy hoạch cây trồng” - ông Phan Đình Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Tiến, Thị xã Thái Hòa trao đổi.
Đầu ra không có nên người trồng không còn mặn mà chăm sóc vườn quýt.
Xem ra, quy hoạch và quản lý chặt quy hoạch chưa bao giờ là cũ. Và với không ít nông dân, việc đầu tư sản xuất theo phong trào chính là tư duy dẫn đến thực trạng khó khăn. Một tư duy cần sớm thay đổi nếu không muốn những cảnh tưởng “được mùa mất giá”.
0 nhận xét: