Ham mê làm vườn, anh Trần Văn Khánh ở ấp An Lạc, xã An Thạnh Tây huyện Cù Lao Dung đã dành toàn bộ 20 công đất nhà trồng nhãn da bò và nhãn Idor. Kinh tế vườn đã đem đến cho anh Khánh nguồn thu nhập đáng kể.
Vườn nhãn da bò và nhãn Idor của gia đình anh Trần Văn Khánh.
Theo đó, anh Khánh dành 10 công đất vườn để trồng nhãn Idor, còn lại là trồng nhãn da bò. Do đặc thù vùng đất Cù Lao Dung có 6 tháng nước ngọt, 6 tháng nước lợ, không thích hợp với cây có múi, vì vậy anh Khánh chọn cây nhãn vì anh cho rằng, cây nhãn là thích hợp nhất với vùng đất này. Ở xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung, anh Trần Văn Khánh là nhà vườn đầu tiên đem giống nhãn Idor từ Đồng Tháp về trồng. Trong số 10 công nhãn idor đã trồng thì có 6 công cho thu hoạch năm thứ 3, 4 công năm đầu tiên cho trái .
Trong khi nhiều nhà vườn ở Cù Lao lo ngại giống nhãn Idor khó trồng và chăm sóc thì anh Trần Văn Khánh lại rất thích trồng giống nhãn này. Anh trồng thử, rút kinh nghiệm trên một ít diện tích, thành công rồi mới nhân rộng. Theo anh Khánh, so với các cây trồng khác như mía, dừa thì cây nhãn cho kinh tế khá hơn. Riêng cây nhãn Idor tuy có khó trồng hơn loại nhãn khác nhưng giống nhãn này không bị chổi rồng nên cây nhãn phát triển rất nhanh.
Anh Khánh phủ lá dừa nước trên mặt liếp để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại cho cây nhãn.
Gắn bó với cây nhãn, anh Trần Văn Khánh rất kỹ trong khâu chăm sóc. Vườn nhãn được anh đầu tư hệ thống tưới phun để nước thấm đều. Anh Khánh phủ đều lá dừa nước trên mặt liếp nhãn để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại. Chịu khó tìm tòi kỹ thuật, tích luỹ kinh nghiệm để "hiểu" hơn về cây nhãn Idor, nhờ đó mà anh đã làm chủ kỹ thuật xử lý ra hoa theo ý muốn, 10 công nhãn Idor được anh xử lý mỗi đợt vài trăm gốc để có nhãn thu hoạch bán quanh năm, nhất là các mùa nghịch bán được giá.
Làm cách nào để cây nhãn Idor cho trái to đều, đạt chất lượng, được xem là bí quyết của anh Khánh. Theo anh, sau khi nhãn ra bông lúc đậu trái non thì cắt bỏ các chùm trái ở các nhánh trên đọt, chỉ giữ lại các chùm trái ở tán lá xung quanh. Đây gọi là kỹ thuật xử lý "tán đứng, tán xoè" để giảm áp lực nuôi trái cho cây nhãn.
Anh Khánh sở hữu bí quyết giúp cây nhãn Idor cho trái to đều, đạt chất lượng.
Bênh cạnh đó, việc cắt bỏ các chùm trái tán đứng còn giúp quan sát tình trạng của cây nhãn đang cho trái. Nếu nhánh bị cắt mà đâm đọt non thì cây nhãn đủ sức nuôi trái, còn nếu đâm bông thì cây nhãn suy, cần bổ sung dinh dưỡng cho cây.
Ông Trần Trung Thu, Chủ tịch Hội nông dân xã An Thạnh Tây cho biết: “Đa số người dân trong xã trồng nhãn da bò, mô hình trồng nhãn Idor của anh Khánh là mô hình mới, có hiệu quả nên Hội nông dân xã thường đưa hội viên đến học tập kinh nghiệm từ anh Khánh để nhân rộng mô hình”. Hiện tại, anh Khánh đang cải tạo 4 công nhãn da bò già cỗi để chuẩn bị đem giống nhãn mới, giống nhãn Hồng Phúc về trồng.
Vườn nhãn Idor đã mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình anh.
Đất Cù Lao Dung phù sa màu mỡ đã không phụ công người. Vườn nhãn Idor của anh Trần Văn Khánh say quả ngọt đã mang lại lợi nhuận hàng năm khoảng 250 triệu đồng. Mô hình trồng nhãn của anh Khánh đã góp thêm hương vị ngọt ngào và tô đậm thêm sự khởi sắc trong đời sống của nhà vườn Cù Lao Dung.
0 nhận xét: