Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích cam sành trên địa bàn huyện Lục Yên đã chín rộ, những hộ nông dân trồng cam đang tập trung thu hoạch để kịp phục vụ nhu cầu trong dịp tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Chị Hoàng Thị Duy mỗi ngày xuất bán trên 1 tấn cam dịp tết.
Gia đình Chị Hoàng Thị Duy ở thôn 8, ở xã Khánh Hòa có trên 3 ha cam sành được trồng trên đất đồi dốc, do đầu năm nay gần 1 ha cam của gia đình bị chết do bệnh thối rễ nên sản lượng bị giảm đáng kể, hiện nay chỉ còn trên 2 ha đang cho thu hoạch. Tuy nhiên, do làm tốt việc chăm sóc, thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap nên năng suất cũng như chất lượng cam được nâng lên. Gia đình chị Duy tập trung thu hoạch hơn chục ngày nay, trung bình mỗi ngày xuất bán ra thị trường hơn một tấn cam sành, với giá dao động từ 6 nghìn đồng đến 15 nghìn đồng/kg, cho từng loại cam. Dự ước năm nay gia đình chị thu hoạch trên 15 tấn cam, cho thu về hơn trăm triệu đồng.
Những ngày này, gia đình anh Tạ Quốc Dưỡng ở thôn 8, xã Khánh Hòa cũng đang khẩn trương thu hoạch hơn 3 ha cam sành đã chín rộ để kịp phục vụ nhu cầu người dân trong dịp tết nguyên đán. Để thu hoạch được nhanh chóng, kịp xuất bán cho những thương lái ở các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Nội anh Dưỡng thuê thêm 3 đến 4 lao động cắt cam. Trung bình mỗi ngày anh Dưỡng xuất bán ra thị trường trên 1 tấn cam, có những ngày cao điểm từ 2 đến 3 tấn. Theo anh Dưỡng càng những ngày cận tết việc nhu cầu tiêu thụ cam càng tăng cao, giá cả cũng có xu hướng tăng. Những năm gần đây, trồng cam đã mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Anh Tạ Quốc Dưỡng tập trung thu hoạch cam dịp tết.
Huyện Lục Yên hiện có trên 600 ha cam, chủ yếu được trồng trên đồi đất thấp, phân bố hầu hết các xã, thị trấn nhưng địa phương có diện tích lớn phải kể đến là xã Khánh Hòa, có trên 100 ha cam sành. Có 2 giống cam chính được trồng trên địa bàn huyện là cam sành và cam Vinh, hàng năm cung cấp ra thị trường trên 3 nghìn tấn cam các loại. Cam Vinh được thu hoạch sớm hơn vào khoảng tháng 8, tháng 9, đối với cam sành chín và cho thu hoạch vào cuối năm âm lịch.
Những năm qua, cam Lục Yên đã được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh biết đến bởi vị ngọt, thơm mang hương vị đặc trưng của cam ở vùng đất này. Đặc biệt, cam Lục Yên đã được cấp nhãn hiệu nên được nhiều người biết đến, có mặt tại các siêu thị, hội chợ thương mại lớn, góp phần ổn định về giá cả cũng như việc tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.
Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, cam Lục Yên ngày càng nâng cao năng suất và chất lượng.
Thời điểm này, toàn bộ diện tích cam sành trên địa bàn huyện Lục Yên đã chín rộ, người nông dân trồng cam trên địa bàn đang tập trung thu hoạch, tiêu thụ không chỉ trong huyện mà ở các tỉnh, thành lân cận, phục vụ nhu cầu của người dân dịp tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Nhờ trồng cam nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Lục Yên đã có thu nhập cao, là hướng đi làm giàu chính đáng, phù hợp tại địa phương. Chính vì vậy, huyện Lục Yên xác định phát triển cây cam sẽ là cây trồng chủ lực góp phần thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020.
Nông dân Lục Yên tập trung thu hoạch cam Tết.
Thời gian tới, bên cạnh việc phát triển diện tích cam mới, huyện Lục Yên cần quan tâm hỗ trợ người dân về kỹ thuật phục tráng những diện tích cam trồng lâu năm, đã thoái hóa và xử lý triệt để tình trạng sâu bệnh hại trên cây cam, tránh thiệt hại cho người dân, để những đồi cam luôn cho trái ngọt, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.
0 nhận xét: