Vùng duyên hải phía Đông của tỉnh Tiền Giang gồm các huyện: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, thị xã Gò Công và huyện cù lao Tân Phú Đông, hàng năm để duy trì sản xuất, ngoài việc tăng cường các giải pháp kỹ thuật, công nghệ… thì giải pháp giúp cây trồng thích ứng với hạn và xâm nhập mặn được ngành nông nghiệp và nhất là Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Tiền Giang quan tâm.
Đầu tháng 01/2019, cũng là đầu mùa khô hàng năm, đây là thời điểm mà nông dân xã Bình Xuân, Tx. Gò Công, cũng như nhiều địa phương lân cận thuộc các huyện phía đông tỉnh Tiền Giang phải lo khai thông kênh mương, tăng cường dẫn nước, hoặc bơm trữ phục vụ tưới tiêu cho rau màu đảm bảo mùa vụ tết Nguyên đán.
Với ông Nguyễn Văn Việt – Nông dân ấp 5, xã Bình Xuân, mùa khô năm nay có vẻ yên tâm hơn khi được đội ngũ chuyên môn của Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang hướng dẫn chuyển giao thành công mô hình kỹ thuật trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng phương pháp tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel trên diện tích 500 m2, với 1.228 gốc chuẩn bị cho thu hoạch vào dịp giáp tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Nếu so với tập quán truyền thống trước đây trồng rau màu trên đất rẫy ngoài tự nhiên, bao giờ nông dân cũng phải lo đối phó với mưa gió ngập úng, đổ ngã, vừa tốn công lao động, vừa tốn kém phân thuốc, mới mong bảo vệ được thành quả mùa vụ, điều này chứng tỏ sự bấp bênh do lệ thuộc vào thời tiết thổ nhưỡng, cái rủi, cái may trong sản xuất là khó lường.
Với công nghệ nhà màng, ông Việt yên tâm hơn vì khỏi phải lệ thuộc vào thời tiết mưa nhiều hay ít, hệ thống màng có thể khống chế nước mưa, điều tiết ánh sáng, ngăn được gió giúp cho cây trồng bên trong có được ẩm độ, ánh sáng thích hợp, nhờ vào nhà màng ngăn côn trùng nên cũng tránh được nguy cơ sâu bệnh xâm nhập tiết kiệm thuốc bảo vệ thực vật sản phẩm làm ra hoàn toàn sạch.
Theo ông Nguyễn Văn Việt chi phí đầu tư cho hệ thống nhà màng trên diện tích 500 m2 này tương đối cao, bao gồm khung sắt, màng phủ, lưới che và hệ thống ống dẫn nước tưới khoảng từ 150 đến 180 triệu đồng, còn kỹ thuật canh tác do cán bộ kỹ thuật Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang hướng dẫn chuyển giao trong suốt 02 mùa vụ.
Với tuổi thọ khung nhà màng sử dụng từ 15 đến 20 năm, rõ ràng việc đầu tư mô hình sản xuất này giúp nông dân tránh được rủi ro nhiều mặt, nhất là về thời tiết, giúp duy trì sản xuất ổn định 4 vụ mùa trong năm, thời gian thu hồi vốn nhanh hơn so với đầu tư canh tác dưới đất, ngoài đồng như kiểu truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Việt cho biết , vụ dưa đầu tiên này, với diện tích 500 m2 và 1.228 gốc dưa lưới, dự kiến sẽ cho năng suất khoảng 1,5 tấn đến 1,8 tấn, với mức giá trên 30 ngàn đồng/ 1kg sẽ thu được trên 45 triệu đồng, trừ chi phí thực lãi trên 20 triệu đồng. Nhưng đây là vụ đầu tiên, còn vụ thứ hai sẽ cao hơn.
Kết quả này được nhiều nông dân các xã lân cận như: Tân Trung, Bình Đông, Long Hòa, Long Hưng, Long Thuận – Tx. Gò Công tham quan để có hướng chuyển đổi sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế lớn, phù hợp với địa bàn duyên hải phía đông của tỉnh Tiền Giang.
0 nhận xét: