Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hơn 1 năm nay, mô hình cây chanh leo được các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã A Xing, huyện Hướng Hóa trồng đã mang lại thành công và có nguồn thu nhập khá.
Mô hình trồng cây chanh leo ở xã A Xing bước đầu mang lại hiệu quả.
Chủ tịch UBND xã A Xing Hồ Văn Thuần cho biết, để nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, xã đã vận động, khuyến khích người dân triển khai mô hình trồng cây chanh leo. Theo ông Thuần, cây chanh leo phù hợp với chất đất, khí hậu tại địa phương. “Trước khi trồng người dân đã được tìm hiểu kỹ về nguồn giống. Đặc biệt, địa phương đã kết nối với một doanh nghiệp ở Đắk Lắk bao tiêu sản phẩm nên người dân rất yên tâm. Đến nay, mô hình đạt kết quả khả quan, bước đầu cây chanh leo đã mang lại nguồn thu nhập khá cho người trồng”, ông Thuần cho biết.
Khu vườn nhà rộng gần 1 ha đã được gia đình chị Hồ Thị Liên, ở thôn Kỳ Rỹ, xã A Xing quy hoạch để trồng chanh leo. Chị Liên cho hay, trước đây dù đã trồng nhiều loại cây khác nhau nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Gần 1 năm nay, gia đình chị đã quyết định vay vốn, đầu tư 150 triệu đồng để mua giống chanh leo, xây dựng hệ thống tưới tiêu tự động và dựng cọc, kéo giàn. Nhờ tích cực học hỏi, nghiên cứu khoa học kỹ thuật nên vườn chanh leo gia đình chị Liên cho năng suất khá cao, lứa thu hoạch đầu tiên đã mang lại thu nhập trên 50 triệu đồng.
Trồng chanh leo theo hình thức liên kết giữa các hộ dân với doanh nghiệp tại huyện Hướng Hóa.
“Trồng chanh leo không quá phức tạp. Quan trọng nhất vẫn là khâu chọn giống tốt, vì chu kỳ từ khi trồng đến khi thu hoạch năng suất đạt cao nhất trong vòng 2 năm. Quá trình chăm sóc cần tạo độ ẩm, đồng thời có biện pháp hạn chế mưa ngấm nước khi ra quả thì tỷ lệ thành công rất cao. Tôi thấy cây chanh leo rất có triển vọng vì vừa phù hợp tại địa phương vừa có giá khá cao so với một số loại cây trồng khác”, chị Liên chia sẻ.
Cũng như gia đình chị Liên, hàng chục gia đình ở xã A Xing cũng đã có nguồn thu nhập bước đầu từ loại cây trồng mới này. Được biết, giống chanh leo được các hộ gia đình ở xã A Xing lựa chọn là giống địa phương, có sức kháng bệnh tốt, quả lớn, sai quả, có vị ngọt thanh, thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch là sau khoảng hơn 5 tháng. Đặc biệt, trước khi thực hiện mô hình này, các hộ đã được chính quyền địa phương tuyên truyền vận động, tư vấn kỹ càng về cách chọn giống, xây dựng giàn, hệ thống tưới tiêu cũng như cách chăm bón, thu hoạch đúng kỹ thuật, quy trình nên người dân ở đây rất yên tâm đầu tư. Nhờ vậy năng suất, chất lượng chanh leo thu về đạt khá cao. Đặc biệt là địa phương đã thực hiện tốt khâu kết nối với doanh nghiệp, nên sản phẩm chanh leo đã được thu mua toàn bộ, với giá bình quân từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Qua hơn 1 năm triển khai, đến nay xã A Xing đã phát triển được gần 5 ha chanh leo, số diện tích này đều đang phát triển tốt.
Chanh leo ở xã A Xing một doanh nghiệp ở Đắk Lắk bao tiêu sản phẩm.
“Nhận thấy đây là mô hình phù hợp với địa phương cũng như người dân, lại có thu nhập khá cao nên thời gian tới địa phương sẽ vận động, khuyến khích người dân phát triển loại cây này, trong đó ưu tiên chuyển đổi cho những hộ có nhu cầu. Với đầu ra ổn định như thời gian qua, chúng tôi hy vọng cây chanh leo sẽ giúp nhiều hộ thoát nghèo, có nguồn thu nhập ổn định”, ông Thuần cho biết thêm.
Các mô hình chanh leo ở xã A Xing hiện nay được xem là mô hình điểm, đang được nghiên cứu để nhân rộng, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Hướng Hóa, mở ra một hướng đi phù hợp trong thay đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân. Để thực hiện thành công mô hình này, rất cần sự đầu tư về kiến thức khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện về nguồn vốn vay và nhất là làm tốt khâu liên doanh liên kết với các doanh nghiệp của chính quyền các cấp.
0 nhận xét: