Nhu cầu tiêu thụ lớn, giá cao nên Tết Nguyên đán luôn là vụ dưa lưới quan trọng, quyết định đến thu nhập cả năm của nông dân. Năm nay, dù thời tiết không thuận lợi, nhưng nhờ dày công chăm bón, người trồng dưa lưới trên địa bàn tỉnh vẫn có nhiều hi vọng vào vụ Tết.
Sau thất bại từ vụ dưa do ảnh hưởng của bão số 9, anh Nguyễn Thành Hòa (ấp Hồ Tràm, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) đã khẩn trương xử lý ruộng và xuống giống khoảng 1ha dưa lưới cho vụ Tết. Những ngày đầu sau xuống giống thời tiết khá thuận lợi, ít mưa trái mùa, nắng nhiều nên dưa phát triển tốt. “Gần đây, thời tiết bất lợi hơn vì ảnh hưởng của áp thấp nhưng tôi đã có kinh nghiệm chăm sóc dưa nên cũng bớt lo lắng” - anh Hòa cho biết - “Tôi đào các rãnh thoát nước trong ruộng dưa để tránh ngập úng. Đồng thời, thường xuyên thăm vườn, tăng mật độ phun các loại thuốc trị nấm gây bệnh thán thư, sương mai. Dù chi phí tăng 30 triệu đồng/ha, lên khoảng 170-180 triệu đồng/ha/năm so với trước nhưng tôi yên tâm hơn nhiều”.
Nhờ chăm sóc kỹ lưỡng, đến nay ruộng dưa của anh Hòa vẫn phát triển tốt. Theo dự báo, với năng suất khoảng 20 tấn/ha, giá bán vào dịp Tết khoảng 20-22 ngàn đồng/kg, anh Hòa thu lãi trên 200 triệu đồng từ vụ dưa Tết.
Những năm qua, ngoài các loại dưa thông thường, các ruộng dưa đặc sản mới, hương vị lạ như dưa vàng kim cô nương, hoàng kim... cũng đang phát triển ổn định. Bà Nguyễn Thị Tuyết, ấp Gò Cát, xã Phước Thuận đang trồng 7 sào dưa Tết. Bà Tuyết cho biết, hiện dưa đã bắt đầu cho trái. Các loại dưa đều rất nhạy cảm với thời tiết, nếu đất ẩm sẽ khiến dưa dễ mắc các loại nấm, thối ruột, hư hỏng hoặc có vị nhạt. “Do đó, khoảng 10 ngày nữa, khi trái lớn, tôi phải làm các giàn bằng tre, cột dưa lên giàn để tránh độ ẩm của đất. Bên cạnh đó, tôi tăng cường thăm vườn, nhổ cỏ dại, bón phân, phun thuốc trị nấm cho dưa 1 ngày/lần thay vì 2-3 ngày/lần như trước đây. Tôi hy vọng tới đây sẽ không có thiên tai như bão, mưa gió kéo dài nhiều ngày để ruộng dưa sẽ phát triển ổn định, gia đình tôi có thu nhập khá để đón Tết”.
Không chỉ trồng theo phương pháp truyền thống, các trang trại trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao cũng đang gấp rút chuẩn bị cho thị trường Tết. Ông Bùi Văn Thắng, Phó Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Xuất nhập khẩu Bùi Nguyễn Gia Phát (thôn Sông Xoài 1, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) cho biết, công ty đang có 1ha dưa vàng trong nhà màng áp dụng công nghệ cao tại xã Phước Thuận. “Theo đó, cây dưa được trồng trong các túi giá thể chứa vật liệu sạch, nền nhà màng được lót bạt để cây không tiếp xúc trực tiếp với đất. Các khâu chăm sóc, bón phân, tưới nước đều áp dụng theo công nghệ của Israel. Năm nay, vụ Tết chúng tôi dự báo cung cấp cho các thị trường trong tỉnh và TP.Hồ Chí Minh khoảng 5 tấn dưa vàng, với giá khoảng 60 ngàn đồng/kg”, ông Thắng thông tin thêm.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc cho biết, hiện nay, để chuẩn bị cho vụ Tết 2018, nông dân của xã trồng khoảng 40ha dưa lưới, dưa vàng, dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng hơn 800 tấn dưa. Năm nay, diện tích trồng dưa Tết giảm khoảng 20ha so với năm ngoái, nguyên nhân là nhiều hộ dân rải vụ chứ không tập trung vào trồng phục vụ thị trường Tết.
Cần một thương hiệu để dưa lưới Phước Thuận vươn xa.
Theo anh Trần Thành, ấp Hồ Tràm, xã Phước Thuận cho biết: “Khi trồng dưa vụ Tết là thời lúc giao mùa nên thời tiết phức tạp, rủi ro về thiên tai, dịch bệnh lớn. Trong khi đó, khách du lịch tới tắm biển, thăm thú tại một số địa điểm trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đang tăng mạnh nên nhu cầu tiêu thụ dưa lưới cũng tăng theo và đều đặn quanh năm chứ không tập trung vào các dịp lễ lớn. Do đó, nhiều người trồng dưa lưới đã rải vụ. Giá bán cho khách du lịch không thấp hơn vụ Tết nhiều nên thu nhập vẫn ổn định”.
0 nhận xét: