Do mang lại giá trị kinh tế cao, hiện phong trào trồng dừa xiêm đang phát triển mạnh ở xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát. Toàn xã có trên 100 ha dừa xiêm, tăng 40 ha so với năm 2015, bình quân mỗi héc-ta trồng khoảng 300 cây.
So với dừa ta, hiện dừa xiêm mang lại lợi nhuận cao hơn gấp 3 lần. Các nông hộ trồng dừa xiêm ở xã Cát Hiệp cho biết, dừa được các thương lái thu mua tại gốc với giá từ 6.000 đồng/trái (mùa mưa) đến 12.000 đồng/trái (mùa nắng, dịp Tết âm lịch). Riêng dừa khô để giống có giá 60.000 đồng/trái.
Dừa xiêm từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 5 năm, cây càng lớn sẽ cho năng suất càng cao. Trung bình cây từ 5 - 6 năm tuổi cho khoảng 100 - 120 trái/cây/năm, sau khi trừ các chi phí, người trồng dừa có thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Thanh Long, ở thôn Hòa Đại - một trong những hộ thực hiện có hiệu quả mô hình này, cho biết: “Gia đình tôi trồng hơn 200 cây dừa xiêm xen canh với cây trồng cạn. Nhờ thực hiện theo mô hình này, các loại cây trồng ngắn ngày và cây dừa đều sinh trưởng phát triển tốt, ít tốn công chăm sóc mà còn sử dụng tối đa quỹ đất, đem lại thu nhập đáng kể, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích”.
Từ hiệu quả thiết thực của cây dừa xiêm, nhiều người dân Cát Hiệp đã mạnh dạn phát triển cây dừa xiêm không những trong vườn nhà mà còn phát triển theo mô hình xen canh lấy ngắn nuôi dài. Trên cùng một chân đất, cây dừa xiêm được trồng cùng lúc với đậu phụng và mì, sau 3 tháng thu hoạch đậu phụng và sau khoảng 5 tháng nữa thu hoạch mì. Nhờ nguồn phân bón và nước tưới trong việc chăm sóc đậu phụng và mì nên cây dừa xiêm phát triển hơn so với trồng chuyên canh theo cách thông thường. Sau 3 năm cây dừa xiêm bắt đầu ra trái thì không trồng đậu phụng và mì nữa, mà sẽ trồng khóm, mình tinh dưới tán dừa, đến khi dừa lên cao hơn thì có thể trồng thêm một số cây trồng khác ưa bóng râm.
Ông Nguyễn Thanh Long chăm sóc vườn dừa xiêm. |
0 nhận xét: