Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu của địa phương và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Na Rì vận động nông dân trồng cây ăn quả có múi, trong đó, cam Xã Đoài là cây ăn quả đem lại kinh tế cao cho nông dân.
|
Kiểm tra diện tích cam Xã Đoài được hưởng lợi từ hỗ trợ của nhà nước tại thôn Pác Ban, xã Văn Minh. |
Mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững hằng năm, Na Rì tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển loại cây có giá trị kinh tế cao, trong đó, phát triển loại cây ăn quả có múi là một trong các loại cây trồng phù hợp với khí hậu, đất đai của địa phương được huyện chú trọng, do đó, những năm trở lại đây, diện tích cây ăn quả có múi của huyện tăng lên nhanh chóng. Theo tổng hợp của ngành chuyên môn, hiện nay, toàn huyện có khoảng hơn 500 ha cây ăn quả các loại, riêng cam, quýt, bưởi có trên 400 ha.
Năm 2014, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương triển khai thực hiện dự án mô hình trồng cam Xã Đoài tại địa phương, với 3 ha trồng thí điểm. Đến nay, sau gần 5 năm chăm sóc, mô hình cam Xã Đoài đã được thu hoạch những lứa quả đầu tiên, được người dân hưởng ứng nhân rộng bởi giá trị kinh tế, phù hợp đất đai, khí hậu của địa phương. Từ thành công của mô hình, huyện Na Rì đã thực hiện hỗ trợ cho người dân mở rộng diện tích cam Xã Đoài, đến nay, toàn huyện đã có hàng trăm ha cam Xã Đoài.
|
Cây cam Xã Đoài đã được nhiều hộ dân Bắc Kạn đầu tư phát triển. |
Theo đánh giá của ngành chuyên môn và hộ dân tham gia thực hiện, sau 3 năm cam Xã Đoài đã bói lứa quả đầu tiên, đến năm thứ tư, bình quân thu được khoảng từ 5 - 6 kg quả/cây, quả có chất lượng ngon, ngọt. Giá bình quân trên thị trường từ 20-35 nghìn đồng/kg, thu nhập từ cam Xã Đoài trồng trên đất ruộng gấp bốn, năm lần so với trồng lúa, ngô. Một ha diện tích đất trồng cây cam Xã Đoài mật độ 400 cây, đến năm thứ 5 trở đi sẽ cho thu hoạch khoảng 8 tấn quả/vụ, lợi nhuận thu được sau khi trừ tất cả các chi phí được trên 100 triệu đồng/ha trở lên.
Ngoài các ưu điểm về năng suất, chất lượng thơm, ngọt, nhiều nước, cam Xã Đoài chín sớm hơn các giống cam, quýt của địa phương, thời gian thu hoạch kéo dài từ cuối tháng 9 đến tháng 12, vỏ quả cứng nên dễ bảo quản. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường về loại cam này cao, thuận lợi cho phát triển là cây trồng hàng hóa của địa phương.
Từ các nguồn vốn sự nghiệp kinh tế huyện; nguồn vốn giảm nghèo, năm 2018, huyện Na Rì đã thực hiện hỗ trợ người dân hơn 9.000 cây giống trồng được trên 177 ha cây cam Xã Đoài ở 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Các xã trồng nhiều như: Xã Cường Lợi trên 30 ha; xã Kim Lư trên 40 ha; Lam Sơn hơn 30 ha, Liêm Thủy trên 20 ha; Văn Minh gần 14 ha…
|
Cây cam Xã Đoài có nhiều ưu điểm về năng suất, chất lượng, bảo quản sau thu hoạch. |
Ông Bế Văn Cường- Chủ tịch UBND xã Văn Minh cho biết: Được hưởng lợi từ dự án trồng cam Xã Đoài do Sở Khoa học và Công nghệ và Viện nghiên cứu rau quả Trung ương triển khai năm 2014, đến nay, sau gần 5 năm chăm sóc, 2 ha cam Xã Đoài trồng theo dự án đã được thu hoạch. Không chỉ năng suất, chất lượng quả ngon, ngọt mà tiêu thụ trên thị trường cũng dễ hơn những loại cam quýt khác, tại thời điểm này, khi một số cam, quýt đang rộ vào vụ thu hoạch thì cam Xã Đoài tại địa bàn xã đã thu hoạch xong và tiêu thụ hết sản phẩm.
Thấy được hiệu quả kinh tế cao đối với loại cây ăn quả này, một số hộ dân tự mua giống về trồng. Năm 2018, riêng thông qua hỗ trợ giống của nhà nước, toàn xã tiếp tục trồng được thêm 12,14 ha, với trên 70 hộ tham gia thực hiện, hiện nay cây đang thời gian hồi phục, chăm sóc, cây giống đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ là cây trồng góp phần tích cực cho công tác giảm nghèo của địa phương.
0 nhận xét: