6 năm trước, 20 hộ dân bản Co Sản, xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) được hỗ trợ giống cây xoài Thái theo chương trình giảm nghèo từ nguồn vốn Ngân hàng thế giới, mức hỗ trợ 20 cây/hộ. Sau 3 năm kiến thiết, cây xoài bắt đầu cho quả bói. Theo quy trình, đến nay cây xoài phải cho thu hoạch rộ.
Nhưng thực tế, hiện nay 17/20 hộ đã chặt bỏ vườn xoài được hỗ trợ. Cả bản Co Sản chỉ còn 3 hộ duy trì vườn cây nhưng số lượng cây đã giảm hơn nửa. Anh Lường Văn Hà, bản Co Sản cho biết "Thời gian đầu, cây xoài phát triển rất tốt, chỉ hơn 2 năm là cho quả bói. Ðến năm thứ 3, 100% cây đều ra quả, quả xoài to. Nhưng sang năm thứ 4 thì cây có dấu hiệu bị nhiễm bệnh. Ban đầu cây bị chảy nhựa ở vị trí mắt ghép, một thời gian sau kiến kéo về làm tổ tại đúng vị trí đó. Sau đó, cây xoài cứ lụi, khô dần rồi chết hẳn. Tôi cũng tìm hiểu và sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau nhưng không hiệu quả. Hiện nay, nhà tôi chỉ còn 4 cây xoài".
Năm 2012, Sở Khoa học và Công nghệ lựa chọn xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng triển khai mô hình trồng bưởi Diễn với 3 hộ tham gia; mức hỗ trợ 70 cây/hộ. Tuy nhiên sau 7 năm triển khai, đến nay, mô hình đạt hiệu quả thấp, không được nhân rộng. Tại vườn bưởi 6 năm tuổi của nhà ông Lò Văn Phúc chỉ có khoảng 15/70 cây cho quả, số còn lại còi cọc, không phát triển, có cây chỉ cao chừng 1m.
Tương tự là trường hợp hộ ông Vừ A Lử, thôn Từ Ngài 1, xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa). Ông Lử cho biết: “Năm 2013, gia đình tôi được hỗ trợ cây mít và chanh tứ quý với định mức 35 cây/loại. Ðến nay, cây mít đã chết hết, chanh tứ quý còn khoảng 3 - 4 cây, tuy đã cho quả nhưng chỉ đủ cho gia đình dùng. Nhiều hộ trong bản được hỗ trợ nhưng thấy không hiệu quả nên đã phá đi trồng loại cây khác”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hỗ trợ giống cây ăn quả không hiệu quả như: Một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa có ý thức quản lý, bảo vệ; diện tích đất chuyển đổi sang trồng cây ăn quả chủ yếu là đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng, chi phí cải tạo đất cao trong khi những hộ được hỗ trợ đều là hộ nghèo. Ðối với những loại cây như: xoài, mít, chanh tứ quý... đòi hỏi quy trình chăm sóc, bảo vệ chặt chẽ song người dân lại thiếu kiến thức và không được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật.
Ông Nguyễn Trọng Kính, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng "Cây giống đạt tỷ lệ sống thấp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các chính sách hỗ trợ cây ăn quả đạt hiệu quả thấp. Thực tế là 100% cây giống trong bầu không có rễ cọc, chỉ có rễ tơ xung quanh nên khi trồng ở đất đồi, đất nương với chế độ chăm sóc không tốt sẽ rất khó sống hoặc khả năng cho quả thấp. Một nguyên nhân nữa là các chương trình hỗ trợ hàng năm đều đến cuối tháng 9 mới giải ngân vốn và triển khai hỗ trợ. Ðây là thời điểm đầu mùa khô, ít mưa, cây giống trồng thời điểm này có ít điều kiện sống hơn so với trồng đầu mùa mưa. Ngoài ra, trong quá trình vận chuyển, nhiều bầu cây bị vỡ nên khi trồng rất khó sống".
Một điểm bất cập nhưng ít được quan tâm thời gian qua là chế độ bảo hành cây giống. Hiện nay, các đơn vị cung cấp giống chỉ bảo hành 1 tháng - khoảng thời gian đảm bảo cây sống. Sau khi nghiệm thu, nếu có cây chết thì cho trồng giặm. Sau đó, đơn vị cung ứng hết trách nhiệm, không có chế độ bảo hành chất lượng cây giống. Chính vì vậy, có rất nhiều trường hợp đến khi thu hoạch mới biết: giống đăng ký không hạt, thu hoạch lại có hạt; giống quả ngọt lại ra quả chua...
Ðại diện một đơn vị cung ứng giống cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Điện Biên cho biết: Việc lai ghép giống ra kết quả không như ý là không thể tránh khỏi, xác suất khoảng 2 - 3%. Khi cung cấp cho người dân thì có một số lô bị lẫn vào những cây giống không đúng như chủng loại đăng ký. Cách khắc phục vấn đề này là sau khi vườn cây cho quả bói, phải tiến hành sàng lọc, đánh giá nếu có cây không đúng chủng loại thì loại bỏ và trồng bổ sung. Nếu trong hợp đồng có điều khoản yêu cầu nhà cung cấp bảo hành cả chất lượng cây giống thì các đơn vị cung ứng cũng sẵn sàng cấp bổ sung đối với các trường hợp phát sinh.
Ðể chính sách hỗ trợ giống cây ăn quả đạt hiệu quả, giai đoạn 2016 - 2020, một số huyện đã bỏ hình thức hỗ trợ trồng phân tán, mỗi hộ được hỗ trợ 20 - 30 cây nên hiệu quả không cao, không đạt mục tiêu xóa đói giảm nghèo, mở hướng phát triển kinh tế. Các huyện: Mường Chà, Mường Ảng, Ðiện Biên đã triển khai hỗ trợ trồng tập trung. Những hộ dân có nhu cầu được hỗ trợ cây ăn quả phải đảm bảo diện tích trồng trên 500m2 và các điều kiện chăm sóc mới được phê duyệt.
0 nhận xét: