Trước đây, 1,5ha vườn của gia đình ông Lê Văn An, khu vực Long Thành, phường Long Hưng, quận Ô Môn trồng nhãn da bò. Từ năm 2015, ông An phá bỏ toàn bộ vườn nhãn, chuyển sang trồng quýt đường. Sự mạnh dạn chuyển đổi cây trồng của ông An đã mang lại hiệu quả khi qua hơn 3 năm chăm sóc, đến nay vườn quýt đường của ông đã cho thu nhập trên 350 triệu đồng/năm.
Vườn quýt đường của ông An đang trĩu quả, tàn lá phủ rợp cả khu vườn. Theo ông An, quýt đường là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, phân bón ít nên chi phí đầu tư thấp, chủ yếu phun thuốc phòng trừ các loại rệp sáp và cung cấp đủ lượng nước cho cây. Ưu điểm của quýt đường là trái to, mọng nước, ngọt thanh, được thị trường ưa chuộng, đầu ra ổn định.
Ông An cho biết: “Năm 2017, tôi thu hoạch trên 20 tấn quýt đường, bán giá trung bình khoảng 18.000 đồng/kg. Từ đầu năm 2018 đến nay, tôi bán được trên 10 tấn trái. Hiện tại, còn khoảng 20 tấn dự kiến bán vào dịp Tết Nguyên đán năm 2019”.
Để quýt cho trái to, ông An thường xuyên vun bón khi quýt mới ra hoa và cho cây mang lượng trái vừa đủ. Đồng thời, cắt tỉa và tiêu hủy các lá, cành bị bệnh kết hợp với phun thuốc bảo vệ thực vật khi thấy bệnh, côn trùng có hại xuất hiện. Nhờ cần mẫn chăm sóc, vườn quýt của gia đình ông An lúc nào cũng xanh tốt, trái xum xuê.
Để xử lý quýt cho trái nghịch vụ, bán giá cao, ông An thường xuyên tham dự các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng những kiến thức mới vào sản xuất. Ông xử lý cho quýt ra hoa vào tháng 8 Âm lịch để kịp thu hoạch bán vào dịp Tết.
Anh Võ Phú Luật, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Hưng, cho biết: “Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng, mô hình trồng quýt của ông An đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hội Nông dân phường tiếp tục phối hợp với các ngành tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng quýt cho hội viên nông dân học tập và trao đổi kinh nghiệm”.
0 nhận xét: