Xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên hiện có 80ha ổi cho thu hoạch sản lượng quả đạt 4.500 tấn, doanh thu 45 tỷ đồng, lợi nhuận trên 30 tỷ.
Đạt được kết quả nói trên, là do các nhà các cấp chính quyền địa phương luôn quan tâm xây dựng các mô hình khuyến nông, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, hiệu quả bền vững.
Ông Ngô Văn Vạn, Chủ tịch UBND xã Hoàn Long cho biết: Đến hết tháng 6/2018, địa phương đã căn bản chuyển đổi hết diện tích các cây trồng hiệu quả canh tác thấp, sang gieo trồng các cây có giá trị thu nhập cao, như cam, bưởi, chuối, ổi, quất cảnh và cây rau các loại.
Riêng cây ổi toàn xã có gần 80ha, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Hoà Mục và Ngân Hạnh. Giống trồng là ổi lê Đài Loan. Các nhà vườn đang thu hoạch kéo dài tới tháng 1/2019.
Tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy, hầu hết diện tích ổi ở đây đều trồng theo hướng chuyên canh quy mô lớn (0,3 - 0,5ha), bởi ổi là cây trồng dễ canh tác, thích hợp trồng nhiều loại đất, chi phí đầu tư thấp, hiệu quả sản xuất cao, khả chống chịu điều kiện bất thuận tốt, dễ sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP. Sản phẩm rất dễ bán.
Anh Nguyễn Hữu Đông (thôn Hoà Mục) khẳng định: "Mùa vụ này gia đình sẽ thu được 28 tấn quả, giá trị 280 triệu đồng, trừ mọi chi phí đầu tư vẫn còn "bỏ ống" được hơn 200 triệu. So với cấy lúa cùng chân ruộng, cùng diện tích, thu nhập cao gấp 8 - 10 lần. Cấy lúa còn phải “trông trời trông đất trông mây”, gặp thời tiết không thuận, sâu bệnh nhiều, thì coi như mất ăn. Cây ít sâu bệnh, ít phun thuốc sâu, ít phụ thuộc thời tiết, chỉ cần một vài thao tác kỹ thuật đơn giản, là cứ đến hẹn cho thu quả”. Nhờ vậy, chỉ với 2 lao động trong nhà, gia đình anh Đông vẫn trồng được 0,5ha ổi, nuôi 500 gà mái đẻ và 20 con lợn thịt.
Chia sẻ về bí quyết thâm canh ổi của mình, anh Đông cho hay, ổi lê Đài Loan có thể ra hoa đậu quả quanh năm, nhưng chất lượng quả ngon nhất là từ sau tiết heo may (tháng 8) tới hết hanh khô giá rét (mùa đông). Vì vậy hàng năm chỉ nên khai thác ổi từ trung tuần tháng 7, đến cuối tháng 1 (âm lịch). Các tháng còn lại bỏ cỏ, không chăm sóc gì thêm cho vườn ổi, nếu cây nào ra hoa trong khoảng thời gian này, phải ngắt bỏ triệt để.
Bước sang đầu tháng 5 (âm lịch) mới tiến hành cắt tỉa, làm cỏ, bón phân. Cắt bỏ hết cành tăm, cành gầm, cành mọc rối trong tán. Cắt sâu 50 - 70cm đối với các cành vượt. Cắt hớt ngọn 10 - 12cm với cành tơ, cành bánh tẻ.
Sang tháng 6 cây bắt đầu nhú nụ, nở hoa, tiếp tục ngắt bỏ 3 - 4cm các ngọn đầu cành, để cây tập trung dinh dưỡng cho đậu quả. Khi quả lớn bằng viên bi ve xanh, tiến hành phun thuốc chống sương (Zineb 80WP). Sau đó 7 ngày mới bao quả bằng túi nilon chuyên dụng (có bán sẵn trên thị trường).
Bón thúc quả 3 lần, mỗi lần 10kg NPK 13 - 13 - 13 + TE vào các thời điểm, ngay sau cắt tỉa, trước khi bao quả, và sau bao quả 12 - 15 ngày. Bón tiễn quả (trước thu hoạch 15 ngày), 5kg NPK 17.7.17.13S + Bo + TE. Phòng trừ sâu róm và rệp sáp 2 lần (ngay sau thu hết quả trên vườn, và trước khi cây nhú nụ hoa). Thu hoạch khi vỏ quả chuyển từ màu xanh sang hanh vàng.
Anh Nguyễn Sĩ Duẩn, Trưởng thôn Hoà Mục cho biết: Do trồng ổi với diện tích lớn, tạo được sản lượng quả cao, chất lượng thơm ngọt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nên xã Hoàn Long đã trở thành địa chỉ tin cậy cho các thương lái đến thu mua ổi quả, cung ứng cho người tiêu dùng khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Tuy nhiên, hiện các nhà nông đang chuyển dần sang sản xuất ổi hữu cơ. Ông Trần Văn Thiết (Chủ tịch Hội Nông dân xã) là một trong số đó. Ổi của gia đình ông Thiết chỉ bón phân hữu cơ và phân sinh học, luôn được thương lái thu mua với giá cao.
Theo đó, anh Duẩn rất mong được các cơ quan chuyên môn trong tỉnh, hướng dẫn thủ tục thành lập hợp tác xã sản xuất ổi hữu cơ, để sản phẩm của địa phương có cơ hội xuất bán ra thị trường thế giới.
"Do chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, giá trị thu nhập/ha canh tác của xã đã đạt 300 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người trên 40 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,8%", ông Ngô Văn Vạn, Chủ tịch UBND xã Hoàn Long.
0 nhận xét: