“Vốn” ban đầu chỉ là ba gốc cà na Thái trồng bên hiên nhà, anh Nguyễn Văn Nhẫn (ngụ ấp Hòa Thuận, xã Hòa Ninh- Long Hồ) đã nhân giống và đem trồng xen canh với nhãn, thế mà đến nay, loại cây này giúp gia đình anh có thu nhập ổn định, với 200 trăm triệu đồng/năm.
Lập nghiệp với cây cà na Thái.
Trong khi nhiều bà con trên địa bàn các xã cù lao huyện Long Hồ, đắn đo lựa chọn loại cây trồng thay thế cho cây nhãn sau khi dịch bệnh chổi rồng bùng phát thì anh Nguyễn Văn Nhẫn lại chọn cây cà na Thái để gắn bó.
Anh Nhẫn cho biết, cách đây hơn 10 năm, anh được người quen tặng cho 3 cây cà na giống Thái và đem về trồng bên hiên nhà. Cây cà na phát triển rất mạnh, mặc dù không cần phải chăm sóc hay tưới phân, chỉ sau 1,5 năm đã bắt đầu cho trái rất sai.
“Thu hoạch lứa đầu đem bán người ta mua đến 35.000 đ/ký mà mình không đủ để bán. Trong khi trồng nó thì khỏe dữ lắm, không cần chăm sóc gì hết mà cho trái quanh năm”.
Từ đó, anh Nhẫn đã mạnh dạn nhân thêm hơn 100 cây giống trồng xen canh trong vườn nhãn của gia đình. Anh Nhẫn cho biết, cà na Thái có nhiều đặc điểm nổi trội như trái to, bóng, không chát nên rất được thị trường ưa chuộng.
Chính vì lẽ đó mà anh bán hàng rất dễ dàng, thậm chí không cần phải đi chào hàng đã có thương lái chủ động liên hệ để đặt mua. Khách hàng của anh đến từ nhiều tỉnh- thành như Cần Thơ, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre...
“Khách tự tìm đến nhà mình để xem hàng, về sau thì chỉ cần gọi điện mình sẽ gửi xe. Tiền được tính toán bằng hình thức chuyển khoản”- vừa chọn lọc cà na giao cho khách, anh Nhẫn cười tươi rói kể.
Song, khoảng 4 năm trở lại đây anh Nhẫn lại tiếp tục mở rộng thêm gần 3 công đất để trồng chuyên canh cây cà na. Với mong muốn đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường ở thời điểm hiện tại.
“Giờ có nhiêu hái nhiêu mà không đủ giao cho khách. Người ta mua về chế biến thành các món: mứt, ngâm, đập dập hay ngâm rượu để bán. Theo tình hình này, sắp tới tôi sẽ chuyển sang chuyên canh hoàn toàn cây cà na”- anh Nhẫn cho biết thêm.
Chiết cành cây cà na Thái bán giống giá từ 25.000- 30.000 đ/cây. |
Bên cạnh việc bán trái cà na, anh Nhẫn cũng chiết cành để bán với giá từ 25.000- 30.000 đ/nhánh. “Bán nhánh, bán trái vậy một năm mình thu hơn 200 triệu đồng. Tiền thu cũng là tiền lời. Cây cà na Thái này mình chỉ việc bỏ công trồng nó thích hợp với đất thì lớn nhanh, rồi cho trái, không nặng công chăm sóc hay bón phân”- anh Nhẫn bộc bạch.
Khi cuộc sống đã dần ổn định nhờ cây cà na, anh Nhẫn còn hỗ trợ cây giống cho rất nhiều đoàn viên khác trong xã đoàn xã Hòa Ninh. Đồng thời, bao tiêu đầu ra giúp mọi người có thêm nguồn thu nhập.
“Hồi trước thấy tôi trồng cà na, nhiều người cũng thắc mắc trồng cây này bán buôn cho ai. Nhưng tôi không hề nản chí mà quyết tâm trồng và tìm đầu ra cho cây cà na. Giờ mọi việc ổn hết nên cũng muốn giúp cho các anh em khác”- anh Nhẫn bày tỏ.
Anh Nhẫn đã hỗ trợ hơn 1.000 cây giống và kỹ thuật trồng cho 20 đoàn viên trong xã đoàn xã Hòa Ninh. Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện theo mô hình của anh Nhẫn, các đoàn viên cũng đã tạo ra thêm nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
“ Với hơn 80 cây giống được Nhẫn hỗ trợ tôi đem trồng xen canh với cây nhãn, giờ sau hơn 1 năm đã bắt đầu có trái thu hoạch được rồi”- anh Lê Thanh Tùng bộc bạch. Bên cạnh việc bán trái, anh Tùng cũng học hỏi kinh nghiệm chiết cành từ anh Nhẫn để kinh doanh thêm. “Giờ cây mới cho trái, nên nguồn thu chủ yếu là nhờ bán cành. Một tháng thu khoảng 3 triệu khỏe re. Năm sau cây đủ sức trái sẽ say hơn thì thu nhập ổn hơn nữa”- anh Tùng phấn khởi.
Cây cà na phát triển tốt trên đất cù lao, góp phần cải thiện kinh tế của nhiều hộ gia đình là minh chứng cho tinh thần vượt khó, dám nghĩ dám làm của anh Nhẫn cùng các đoàn viên nơi đây.
0 nhận xét: