Từ hơn tháng qua, giá cam sành liên tục giảm và theo người trồng cam là “thấp nhất từ trước đến nay”. Ghi nhận tại các vùng trồng cam sành Tam Bình, Trà Ôn cho thấy, cam sành rớt giá là do sản lượng tăng mạnh gây cung vượt cầu.
Năng suất tăng vọt
Theo nhiều nông dân ở Tam Bình, Trà Ôn, thời gian gần đây do nâng cao kỹ thuật trồng cam nên năng suất cam được nâng lên, từ 3- 4 tấn so với vài năm trước nên sản lượng cam tăng mạnh. Ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT Trà Ôn- cho biết, hiện toàn huyện có trên 3.900ha trồng cam, trong đó 2.600ha cam được trồng trên đất ruộng, 9 tháng qua mới 130ha.
“Trong đó, diện tích cam cho trái của huyện khoảng 70% và năm nay sản lượng cam rất lớn có thể tăng gấp đôi so với năm 2017. Vì lứa cam trồng mới từ năm 2015- 2016 đến nay bắt đầu cho thu hoạch, năng suất đạt rất cao, bình quân 7 tấn/công, không hiếm vườn đạt trên 10 tấn/công. Do nông dân áp dụng kỹ thuật trồng mới, phân thuốc đầy đủ và 2 năm đã cho trái”- ông Tám phân tích.
Trong khi đó, từ hơn tháng qua, giá cam sành bắt đầu giảm giá xuống còn 7.000- 9.000 đ/kg và hiện nay giá xô lùa tại vườn chỉ 6.000 đ/kg. Theo người trồng cam, với mức giá 10.000 đ/kg đã có lời 50- 60 triệu đồng/công, còn giá 6.000 đ/kg vẫn còn lời chút đỉnh nhờ năng suất cao.
Theo anh Trần Thanh Diễm- cán bộ nông nghiệp xã Thới Hòa (Trà Ôn), hiện xã có trên 829ha trồng cam, trong đó, ở ấp Tường Thịnh 100% diện tích đã trồng cam. Năm 2016, người dân chuyển sang trồng cam nhiều, nên giờ đến mùa thu hoạch. Do đang vào mùa cam thuận, nguồn cung tăng nên cam tuột giá.
Ông Đặng Hữu Vân- Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Khánh Nhân (xã Loan Mỹ- Tam Bình)- cũng cho rằng nguyên nhân cam sành giảm giá là tình hình chung của nhiều loại trái khác khi cung vượt cầu. HTX đóng cam cho thị trường từ Nam ra Bắc 40- 50 tấn/ngày.
Hiện cam Hà Giang đang vào mùa nên “đụng” thị trường miền Bắc, vì ít chi phí vận chuyển nên giá rẻ hơn. Tuy giá giảm nhưng thị trường vẫn tiêu thụ bình thường, so với năm trước, sản lượng cam HTX đóng đi các thị trường đã tăng khoảng 40%.
Cần liên kết và quản lý chất lượng
Ông Nguyễn Văn Tám cho biết năm 2017, Phòng Nông nghiệp- PTNT kết hợp với Trường ĐH Cần Thơ tập huấn, hướng dẫn cho nông dân cách sản xuất cam bền vững, bởi hiện nay cam không xuất được ra nước ngoài mà chỉ tiêu thụ nội địa, xuất qua đường tiểu ngạch.
“Để tránh được mùa mất giá, nông dân phải sản xuất an toàn, sử dụng phân thuốc theo khuyến cáo, tuân thủ thời gian cách ly nghiêm ngặt. Chúng tôi đang hướng nông dân sản xuất gắn với doanh nghiệp tiêu thụ để có đầu ra ổn định hơn. Hiện huyện đã có 20ha cam sản xuất theo quy trình ký hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm”- ông nói.
Liên kết sản xuất và tiêu thụ cả doanh nghiệp, nông dân đều mong muốn để tạo ra nguồn nguyên liệu chất lượng đồng đều, đầu ra, giá cả ổn định hơn.
Theo ông Đặng Hữu Vân, dù hiện giá cam xuống thấp, nhưng HTX vẫn chịu lỗ mua giá hợp đồng với nông dân, “HTX phải giữ uy tín với nông dân, không bẻ hợp đồng để tạo niềm tin vì còn làm ăn lâu dài”. Điều đáng ghi nhận là hướng sản xuất an toàn cũng đã được nông dân và chính quyền địa phương quan tâm.
Anh Trần Anh Thoại ở ấp Tường Tín (xã Thới Hòa- Trà Ôn) cho biết anh trồng 10 công cam theo hướng sử dụng phân hữu cơ, sinh học thu hoạch 103 tấn, nhưng chỉ bán được 3 tấn cam có giá 18.000 đ/kg, còn lại chỉ bán được giá chợ. Dù khó khăn tìm thị trường, nhưng anh quyết tâm “làm sạch” vì đó mới là hướng phát triển bền vững cho cây cam.
Chị Nguyễn Thanh Trúc- Giám đốc HTX Cam sành Phú Nông (Thới Hòa- Trà Ôn)- cũng chia sẻ HTX hiện đang xây dựng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy bước đầu nông dân không quen việc ghi chép, làm nhật ký đồng ruộng nhưng qua tuyên truyền, thuyết phục nhiều người dân cũng đã thực hiện dần.
Hiện thông qua nhà phân phối, cam của HTX đã được tiêu thụ ở Siêu thị BigC, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, sản lượng 3- 5 tấn/tuần. Hy vọng sau khi được công nhân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thì sẽ có đầu ra ổn định hơn.
Nhiều thương lái khẳng định “cam ngon và có thương hiệu luôn bán được giá cao”, tuy nhiên những người như anh Thoại, chị Trúc và rất nhiều nông dân vẫn rất trăn trở “nỗ lực sản xuất sạch, an toàn cho trái cam là một chuyện, quan trọng là bán cho ai, bán ở đâu?”. Đó cũng là vấn đề đặt ra cho ngành quản lý bởi thị trường quyết định lớn đến sản xuất của nông dân. Hơn nữa, cần khuyến khích những người nông dân có tư duy đổi mới, những mô hình hay để có chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả và kịp thời.
Ông Đặng Hữu Vân: Cam rớt giá không ngờ
Thời gian này, vựa cam nào cũng kêu lỗ do hợp đồng, đặt cọc với nông dân giá cao, giờ xuống giá thấp. Cam không chỉ tăng năng suất mà tăng cả diện tích trồng, nên sản lượng ra thị trường quá nhiều. Trước đây, 1 công thu hoạch chừng 5- 6 tấn, giờ có người trồng 10-12 tấn/công. Hiện giá cam tôi mua xô lùa tại vườn 6.000 đ/kg. Đóng hàng cam gần 20 năm, tôi thấy tình hình chung năm nay rớt giá không ngờ, coi như rớt mỗi ngày. Đầu năm còn được trên 20.000 đ/kg, rồi rớt riết, mức giá hiện đang thấp nhất từ trước đến nay.
0 nhận xét: