Cam Sành từ lâu được biết đến là cây chủ lực của huyện Bắc Quang trong sản xuất hàng hóa, giúp làm giàu cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện. Những năm gần đây, cam Sành ngày càng phát triển cả về diện tích cũng như trình độ thâm canh. Tuy nhiên đến nay, việc tìm đầu ra ổn định cho cây cam vẫn còn là vấn đề nan giải.
Bắc Quang hiện có hơn 1.500 ha cam sành VietGap.
Được biết, diện tích cam Sành toàn huyện là 3.762,6 ha, sản lượng đạt trên 35.000 tấn/năm. Tuy diện tích và sản lượng cam lớn, xong người trồng cam nhiều năm nay vẫn phải loay hoay trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Mặc dù cam Sành đã có mặt tại các cửa hàng, siêu thị ở nhiều nơi nhưng đầu ra vẫn chưa thực sự ổn định, do yêu cầu các siêu thị cao, trong khi giá cam mua của dân lại thấp nên dẫn đến việc ký kết hợp đồng không được ổn thỏa, gây khó khăn cho các hộ dân.
Đến thăm mô hình trồng cam của gia đình anh Hoàng Quốc Thắng, thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo, anh cho biết: “Gia đình tôi có 8 ha cam Sành được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi khi đến mùa vụ, tôi chủ yếu bán cho các thương lái nhỏ lẻ, trước cũng có bán cho siêu thị, nhưng giá cả gặp nhiều trục trặc, yêu cầu của siêu thị lại cao nên không đáp ứng được. Mấy năm gần đây, đầu ra vẫn chưa ổn định nên đến mùa vụ, ngoài các thương lái cũ đến thu mua cũng phải đi mời chào các tư thương khác để tìm đầu ra ổn định cho gia đình”.
Đáng lo ngại hơn, sản phẩm cam Sành hiện đang bị trà trộn với các sản phẩm cam khác, do việc dán tem, nhãn mác, lô gô “Cam sành Hà Giang” chưa được các hộ quan tâm, dẫn đến sản phẩm cam Sành Hà Giang ra thị trường dễ bị nhầm lẫn với cam các tỉnh khác... làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như uy tín của cam Sành Hà Giang.
Cam VietGAP có năng suất đạt cao hơn từ 20- 40 tạ một ha so với cam sản xuất truyền thống.
Theo ông Phạm Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội cam Sành Hà Giang cho biết: “Để có thể tìm được đầu ra cho sản phẩm cam Sành, Hiệp hội đã đưa ra các giải pháp, đề xuất để tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh cam Sành Hà Giang đi nhiều nơi. Song, bên cạnh đó cũng gặp không ít khó khăn như: Nhiều hộ chưa có thói quen sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, do cách sản xuất này phải trải qua nhiều bước. Bên cạnh đó, người dân lại không dùng tem hiệu vì lí do vườn rộng, sản lượng nhiều nên không thể dán tem mác hết được, dẫn đến các loại cam khác rất dễ trà trộn, giá thành cũng sẽ giảm đi”.
Trước thực trạng trên, huyện Bắc Quang đã đưa ra nhiều giải pháp như: Thành lập các hội cam Sành cũng như các chi hội tại các xã, thị trấn. Khuyến khích, vận động người dân áp dụng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và nhân rộng diện tích cam VietGAP để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm cam Sành của huyện; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho cam Sành như: Tổ chức Tuần lễ cam Sành huyện Bắc Quang; Hội thi sản phẩm cam Sành huyện; thực hiện quảng bá hình ảnh cam Sành trên các phương tiện truyền thông đại chúng; đưa sản phẩm cam Sành tham gia các hội chợ quảng bá xúc tiến thương mại tại các tỉnh khác…
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang tham dự một Hội thi cam Sành huyện Bắc Quang.
Đặc biệt, cần tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”: Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà quản lý. Để cam Sành có đủ sức cạnh tranh thì cần tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng, như thế mới giữ được uy tín với khách hàng, đáp ứng được nhu cầu thị trường, đồng thời cần có chiến lược thị trường tốt; từ đó, mới giúp người dân nâng cao thu nhập…
0 nhận xét: