Lo ngại lũ về sớm gây thiệt hại, nhiều người dân trồng quýt ở Thừa Thiên Huế đã thu hoạch sớm dù biết "mất mùa, mất giá".
Những ngày này, nhiều hộ dân ở làng Hương Cần (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) đang tất bật thu hoạch quýt. Theo người dân địa phương, quýt Hương Cần là sản vật nổi tiếng, khi chín có vỏ vàng óng và hương vị ngọt thanh, từng được bô lão trong làng dùng để tiến vua triều Nguyễn nên còn gọi là "quýt tiến vua".
"Thông thường từ tháng 2 quýt cho hoa và cuối tháng 8 âm lịch bắt đầu thu hoạch. Tuy nhiên, những năm gần đây Huế thường xảy ra lũ sớm, lại thêm thủy điện xả lũ nên nhiều vườn quýt bị ngập úng, buộc chúng tôi phải thu hoạch sớm", ông Nguyễn Văn Đạt (60 tuổi) cho hay.
Tranh thủ trời chưa tắt nắng, vợ chồng ông Đạt mang giỏ ra vườn hái quýt. Theo ông, năm nay quýt Hương Cần "vừa mất mùa lại vừa mất giá". Gia đình ông có 28 gốc quýt trồng trên diện tích 500 m2, đến nay chỉ có 14-15 cây cho quả số còn lại chết khô hoặc không cho quả.
"Năm trước, mỗi kg quýt được thương lái thu mua với giá 35.000 đến 40.000 đồng, nhưng năm nay chỉ khoảng 25.000 đồng" ông Đạt nói.
Cạnh vườn quýt ông Đạt, bà Thu (67 tuổi) cũng tất bật dùng kéo tìm cắt những trái quýt chín đưa vào giỏ xách để bán cho thương lái. Mọi năm vườn quýt hơn 20 gốc của bà cho thu hoạch khoảng 15 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay quýt ra quả ít hơn, lại mất giá nên bà chỉ được 10 triệu.
Hiện làng Hương Cần có khoảng 10 ha trồng quýt, đa số trồng dọc bãi bồi sông Bồ.
0 nhận xét: