Có cách ăn đặc biệt, có vị chua ngọt hơi chát đặc trưng, hồng quân đã trở thành loại trái cây đặc sản, được du khách gần xa nhắc đến mỗi khi có dịp về Bảy Núi vào mùa mưa.
Những ngày này, dọc theo các ngả đường của 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên rất dễ bắt gặp các rổ, mâm trái hồng quân chín mọng, màu đỏ tím mới hái từ vườn nhà đem ra ven lộ bán cho du khách, bởi thời điểm là mùa hồng quân Bảy Núi ra trái. Theo các nhà vườn, trước đây do không có giá trị kinh tế nên nhiều người phá bỏ cây hồng quân để trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế hơn, như: xoài, điều, vú sữa, mãng cầu…
Những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu thị trường tiêu thụ trái hồng quân khá mạnh, nhiều nhà vườn đã nhân giống, chiết cành và trồng cây hồng quân. Hiện nay, nhà nào trồng ít cũng có chục gốc, nhiều có đến cả trăm gốc hồng quân trồng xen dưới các tán rừng và vườn đồi ở núi Dài Nhỏ, núi Két, núi Cấm, núi Cô Tô...
Theo bà Huỳnh Yến Linh (ngụ ấp Núi Két, xã Thới Sơn, Tịnh Biên), cây hồng quân rất dễ trồng, nếu trồng bằng cách gieo hạt tuổi thọ sẽ cao hơn, sau 5 năm sẽ cho trái. Cây hồng quân có độ tuổi từ 15 năm trở lên, cho năng suất trung bình hơn 100kg trái/vụ. Hiện nay, đa số nhà vườn chọn trồng hồng quân theo cách chiết cành, sau 3 năm tuổi, cây hồng quân đã có thể cho trái và ít gai hơn so với trồng bằng hạt. Việc trồng cây hồng quân ở vùng đồi núi cao không có nước tưới nên phụ thuộc vào thời tiết, thổ nhưỡng tự nhiên và do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên trái hồng quân có thể xem là trái cây sạch. Vào mùa khô, cây hồng quân rụng hết lá, khi có vài đợt mưa đầu mùa thì ra lá non phát triển trở lại và bắt đầu trổ bông. Trái hồng quân bắt đầu chín từ tháng 8 và kéo dài đến qua Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, cũng có một vài cây ra bông muộn, cho trái nghịch mùa vào tháng 3, 4 (âm lịch) năm sau.
“Cây hồng quân trồng chơi nhưng ăn thiệt. Trồng hồng quân không tốn công chăm sóc, đến vụ là thu hoạch. Mỗi năm ăn trái hồng quân 2 vụ, vụ đầu mùa thu hoạch kéo dài 2 tháng, vụ sau chỉ thu hoạch được 1 tháng và sản lượng cũng ít hơn. Vào thời điểm trái hồng quân chín rộ, mỗi ngày gia đình tôi hái 300-400kg trái hồng quân. Nhờ cây hồng quân mà gia đình tôi khấm khá lên”- bà Linh thông tin.
Anh Minh Tâm (một chủ thu mua trái hồng quân) cho biết, mấy năm nay trái hồng quân Bảy Núi được biết đến và tiêu thụ mạnh ở nhiều nơi, nhất là thị trường Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Campuchia… Những chủ sạp trái cây bày bán ven đường dọc Tỉnh lộ 948 từ thị trấn Nhà Bàng (Tịnh Biên) đến thị trấn Tri Tôn (Tri Tôn) cho biết, thời điểm này trái hồng quân đang chín dần, hồng quân hái từ vườn bán lẻ với giá 20.000đồng/kg, mỗi ngày trái hồng quân chín bao nhiêu cũng không đủ để bán cho khách du lịch.
Chị Lâm Cẩm Tú, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết, trước đây cùng bạn bè về Bảy Núi tham quan, chị Tú rất ấn tượng khi lần đầu được thưởng thức trái hồng quân Bảy Núi. “Đa số các loại trái đều chỉ thơm ngon khi vừa chín tới, không bị dập nát. Còn hồng quân thì trái lại, nếu muốn ăn ngon phải bỏ trái hồng quân đỏ tím vào giữa 2 lòng bàn tay, vo đi vo lại cho thịt dập dập, căng mọng lên đến khi nứt ra rồi mới đưa lên miệng cắn. Cái vị ngọt thanh, chua nhẹ, hơi chát quyện lẫn vào nhau tạo ra hương vị rất riêng. Hương vị của trái hồng quân nếu đã ăn thử 1 lần, chắc hẳn sẽ chẳng thể nào quên được”- chị Lâm Cẩm Tú chia sẻ.
Hồng quân (bồ quân, mùng quân) có tên khoa học là Flacourtia Jangomas, có nhiều ở Đông Nam Á. Cây hồng quân cao trung bình khoảng 5-8m, thân cây có gai nhọn, lá nhỏ, bông trắng, trái lúc còn sống có màu xanh, khi chín chuyển sang màu đỏ tím, có mùi thơm nhẹ, vị chua ngọt, hơi chát.
0 nhận xét: