Những tưởng chúng ta chỉ có thể ngắm nhìn những vườn dâu tây đỏ rực nổi bật trên nền lá xanh ngát tại thành phố mộng mơ Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng thì nay đã có thể chiêm ngưỡng hình ảnh ấy trên đất Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn. Cây dâu tây đã được trồng thành công bởi chàng thanh niên dân tộc Thái - Hà Văn Thiện ở thôn Noong Tài.
Xác định rõ dâu tây vốn là cây ôn đới, ưa lạnh nên sẽ gặp nhiều khó khăn khi đưa về vùng khí hậu nóng ẩm như Yên Bái song Thiện vẫn luôn mong muốn chinh phục cây trồng giá trị này. Trước đó, chàng thanh niên 25 tuổi ấy đã từng nghiên cứu, học hỏi, tham quan thực tế ở nhiều nơi. Để rồi cuối năm 2017, sau hơn 1 tháng chờ đất nghỉ kể từ khi thu hoạch vụ lúa mùa, Thiện đã mạnh dạn trồng thử 200 cây dâu tây giống Mỹ Hương, Mỹ Đá.
Thiện cho biết: "Trước khi trồng, tôi phải tiến hành xử lý, cải tạo đất. Sau đó đánh luống để dễ dàng thoát nước, các luống có ủ rơm giữ ẩm. Luống cách luống từ 40 – 50 cm, cây cách cây 30 cm. Khi tiến hành trồng, tôi bón lót bằng phân chuồng, sau 15 - 20 ngày, cây đã cứng cáp, tôi tiếp tục bón thúc bằng phân NPK. Ngoài việc bón phân, cần làm cỏ thường xuyên kết hợp với xới đất quanh gốc cho tơi xốp, phải làm nhẹ nhàng nếu không rất dễ bị chạm rễ cây”.
Cứ thế chăm sóc trong 2 tháng, những chùm hoa đầu tiên bắt đầu hé nở rồi kết trái. Tưởng rằng mọi chuyện sẽ tiếp tục thành công như những thuận lợi lúc bắt đầu, giai đoạn đậu quả đã xảy ra những bất cập, hạn chế.
Quả cứ bắt đầu trưởng thành lại bị nứt đầu dẫn đến quả bị thối rất nhanh. Nghiên cứu, tìm hiểu từ sách, báo và Internet, Thiện đã tìm ra nguyên nhân, đó là do mưa quá nhiều. Mưa nhiều dẫn đến nhiệm vụ giữ ẩm của rơm là không cần thiết thậm chí là phản tác dụng, dẫn đến việc dâu tây dễ bị thối.
Tìm ra nguyên nhân, Thiện nhanh chóng khắc phục, những trái dâu bắt đầu chín đỏ, cứ vài ngày lại được thu 1 lứa và thu liên tục cho tới tháng 4 dương lịch khi nắng lên, cây sẽ tàn dần. Thu hết cả chu kỳ mỗi cây cho từ 300 - 400 gam quả với giá khoảng 150.000 đồng/kg, mang lại thu nhập 45.000 đồng/cây - một khoản thu mà ít cây trồng vụ đông nào có thể đuổi kịp.
Thấy được hiệu quả rõ rệt, vụ đông năm nay, Thiện dự kiến sẽ trồng hơn 1.000 cây giống với 3 giống Mỹ Hương, Mỹ Đá và dâu ngọt nhập ngoại. Khắc phục những nhược điểm từ vụ trước, vụ lần này, Thiện đang đầu tư xây dựng mái che chắn mưa cũng như sẽ phủ nilon thay cho rơm.
Thiện tâm sự: "Dâu tây dễ trồng, ít sâu bệnh, chăm sóc đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, đúng cách. Chi phí đầu tư ban đầu thấp, đầu tư phân bón cũng không đáng kể, chủ yếu là phân chuồng hoai mục và phân vi sinh. Dâu tây cũng không ưa phân hóa học, đặc biệt là phân đạm, cây sẽ ra nhiều lá, kém ra hoa, quả ăn không thơm, không ngọt. Năm tới, ngoài bán dâu thành phẩm, tôi sẽ kinh doanh thêm dịch vụ bán dâu cảnh cũng như tạo cảnh quan mới cho vườn dâu để du khách có thể vào vườn dâu tự hái những trái mình mong muốn theo mô hình như Đà Lạt đang làm. Hy vọng sẽ mang lại hiệu quả tốt”.
Việc linh hoạt, nhạy bén đưa giống dâu tây vào trồng của Hà Văn Thiện không chỉ góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất mà còn là một cơ sở để bổ sung những giống cây trồng giá trị cho vụ đông.
0 nhận xét: