Sau thành công bước đầu của việc áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap với sản phẩm vải thiều, đến nay Đông Triều tiếp tục triển khai cách làm này đối với cây na dai. Trước mắt, việc áp dụng tiêu chuẩn Vietgap trong sản xuất na dai được tiến hành tại 2 xã Việt Dân, An Sinh, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm này.
Ông Đặng Đình Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Đông Triều, cho biết: “Theo lộ trình, chúng tôi đã triển khai áp dụng phương pháp sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap với sản phẩm na dai ở 2 xã Việt Dân, An Sinh với diện tích 50ha mỗi xã. Phần còn lại sẽ triển khai vào những năm tiếp theo”.
Theo thống kê, thị xã Đông Triều hiện có gần 1.000ha na dai, trong đó chủ yếu là tại 2 xã An Sinh (450ha), Việt Dân (hơn 200 ha)... Có thể nói, trong nhiều năm qua, cây na dai đã trở thành cây trồng mang lại lợi ích kinh tế lớn cho nông dân các địa phương. Tuy nhiên, từ trước tới nay việc thâm canh vẫn chỉ là theo phương pháp truyền thống, hàm lượng khoa học, kỹ thuật chưa cao nên ảnh hưởng đến chất lượng, giá thành sản phẩm, gây thiệt thòi cho người nông dân.
Từ thực tế trên, để sản phẩm na dai của Đông Triều thực sự có giá trị, thị xã đã phối hợp với Viện Cây ăn quả (Bộ NN&PTNT), Sở KH&CN, Sở NN&PTNT triển khai “Mô hình áp dụng quy trình kĩ thuật sản xuất na dai theo hướng Vietgap”.
Gia đình chị Nguyễn Thị Tình ở thôn Đìa Sen, xã An Sinh, thị xã Đông Triều thu hoạch na dai chính vụ. |
Vụ na năm nay là vụ đầu tiên được áp dụng những nguyên tắc, trình tự sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch theo hướng Vietgap nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Mô hình được triển khai, người sản xuất được nhà nước hỗ trợ về tập huấn quy trình kĩ thuật trong các khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, theo dõi, ghi chép hằng ngày để làm cơ sở đánh giá kết quả cuối cùng. Ngoài ra, người sản xuất còn được hỗ trợ một phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tham quan, học tập tại các mô hình đã thành công.
Hiện nay, na dai đã vào vụ thu hoạch, các cơ quan chuyên môn đang theo dõi sát sao quy trình kĩ thuật để có thể điều chỉnh, làm cơ sở đánh giá tiến tới cấp giấy chứng nhận Vietgap cho sản phẩm na dai. Ông Đỗ Đình Thế, Chủ tịch UBND xã Việt Dân, cho biết: “Việc áp dụng quy trình sản xuất Vietgap với na dai Việt Dân là thực sự cần thiết bởi có như vậy thì sản phẩm mới đạt chất lượng và giá trị cao. Nếu 50ha đầu tiên thành công chúng tôi sẽ áp dụng cho toàn bộ hơn 200ha của cả xã”.
Cây na dai đã và đang là cây trồng chủ lực, giúp nhiều hộ nông dân thị xã Đông Triều thoát nghèo, làm giàu. |
Ông Đặng Đình Thắng cho biết thêm: “Trong tương lai, sản phẩm nông nghiệp của Đông Triều sẽ đi theo hướng: Người dân hưởng lợi; người tiêu dùng yên tâm; vai trò của cơ quan quản lý nhà nước được nâng cao, đồng thời thay đổi nhận thức, cách làm của tất cả các bên để có được sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn mang thương hiệu Đông Triều”.
0 nhận xét: