Theo tổng hợp của Hội làm vườn tỉnh Trà Vinh, đến đầu năm 2018, toàn tỉnh có hơn 300ha trồng thanh long. Khi giá thanh long tăng cao, những tháng gần đây, một số địa phương, nông dân đã ồ ạt chuyển đổi đất lúa sang trồng thanh long khá nhiều, nguy cơ phá vỡ quy hoạch đất trồng lúa của tỉnh.
Điều đáng quan tâm, việc nông dân tự phát chuyển đổi đất lúa sang trồng thanh long không nằm trong vùng quy hoạch chuyển đổi cây trồng ở địa phương. Địa bàn huyện Càng Long có diện tích trồng thanh long nhiều nhất trong tỉnh, khoảng 200ha. Đây cũng là nơi nông dân đang ồ ạt mở rộng diện tích trồng thanh long. Riêng xã Phương Thạnh có gần 50 ha; trong này, nhiều vùng được quy hoạch lúa chất lượng cao, như Nguyệt Trường, Phú Thạnh… cũng chuyển sang trồng thanh long.
Hiện nay, tại địa bàn Trà Vinh, thanh long loại I được thương lái thu mua từ 30 – 32 nghìn đồng/kg. Theo nông dân, thanh long tương đối dễ trồng, khả năng thích nghi tốt với nhiều vùng đất, chi phí đầu tư ban đầu khá thấp so một số cây dài ngày khác. Chỉ sau tám tháng đến một năm (tùy thời điểm trồng), thanh long đã cho thu hoạch đợt đầu, trúng giá cao có thể thu đủ vốn đầu tư ban đầu. Từ năm thứ ba trở lên, thanh long có thể đạt năng suất đến 15 - 20 tấn/ha. Trừ các chi phí, trồng thanh long thu lời gấp 10 lần trồng lúa; khó có cây trồng nào cho hiệu quả cao hơn thanh long với mức giá hiện tại.
Trước đây, khi cây cam sành lên ngôi, nhiều nông dân ở các huyện Cầu Kè, Càng Long… cũng chuyển hàng trăm ha đất lúa sang trồng cam sành. Riêng cây thanh long, buổi đầu phát triển vài chục héc-ta trên vùng đất Trà Vinh (huyện Càng Long, Châu Thành…) từ những nhà vườn; họ chuyển vườn tạp, vườn cây kém hiệu quả sang trồng thanh long. Hiện nay, thanh long có giá cao, mang lại lợi nhuận cao cho nhà nông. Từ đó, nông dân tự phát trồng thanh long trên nhiều vùng đất, dễ dẫn đến phá vỡ quy hoạch sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương.
Chuyển đổi cây trồng trên vùng đất lúa kém hiệu quả, chuyển cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, và đang được ngành nông nghiệp triển khai thực hiện quy hoạch vùng sản xuất. Tuy nhiên, cùng với quy hoạch vùng sản xuất, vùng chuyển đổi, cũng cần có chính sách và giải pháp phù hợp để nông dân thực hiện đúng quy hoạch.
0 nhận xét: