Nhãn được mùa nhưng rớt giá Chưa năm nào cây nhãn lại được mùa như năm nay. Từ miền xuôi cho đến miền ngược; từ cây ở nhà dân cho đến trang trại; ở ven đường cho đến công sở..., cây nhãn đều sai trĩu quả.
Nhãn Ninh Bình năm nay được mùa nhưng rớt giá |
Cả miền Bắc được mùa nhãn, trong đó vùng nhãn tập trung nhiều ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La. Ninh Bình không có vùng trồng nhãn tập trung và loại cây ăn quả này chủ yếu được trồng trong vườn của các hộ gia đình; trồng ven đường, công sở làm cây bóng mát và cũng có tới 95% số cây đã cho quả.
Tuy nhiên, điệp khúc “Được mùa, mất giá” vẫn là nỗi lo canh cánh của ngành nông nghiệp nói chung và người trồng nhãn năm nay rói riêng. Bà Đinh Thị Tuyết, thôn La Phù, xã Ninh Khang (Hoa Lư) cho biết: Vườn nhà tôi có 7 cây nhãn, trong đó có 2 cây to và cây nào cũng sai trĩu quả, ước sản lượng cả vườn tới hàng tấn quả. Đã gọi người buôn hoa quả vào bán cả vườn với giá chỉ có 2.000.000 đồng; nhưng mới bẻ bán được một cây, họ đã đánh tháo.
Chị Lê Thị Hoa, người bán hoa quả tại chợ Ninh Mỹ cho biết: ở thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8 thì nhãn còn bán được với giá 15.000-20.000 đồng/kg; bây giờ vào thời kỳ nhãn chín rộ, lượng nhãn nhiều giá chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg; nếu quả to, ngon thì có thể bán được 5.000-7.000 đồng/kg. Tại thời điểm này đến các chợ đều nhận thấy lượng nhãn bày bán la liệt, ê chề..., người mua lẻ tẻ. ở các hộ gia đình có một vài cây thì để ăn dần; nhà có nhiều thì còn chẳng buồn thu hái.
Một cán bộ của ngành Nông nghiệp cho biết: Do thời tiết vụ đông 2017 - 2018 có rét sớm, rét nhiều, nên hầu hết các cây nhãn năm nay đều ra hoa đậu quả rất sai. Về nguyên nhân quả nhãn năm nay nhỏ, chậm lớn là do từ đầu vụ xuân - hè cho tới trước cơn bão số 3, thời tiết rất ít mưa; mặt khác cây nhãn năm nay đậu quả sai gấp 2 - 3 năm trước, nhưng nhà nông ít quan tâm cắt tỉa đúng mức hoặc chỉ cắt tỉa sơ lược nên quả nhỏ.
Ninh Bình không có vùng trồng nhãn tập trung và chủ yếu được trồng trong vườn của các hộ gia đình. |
Do điều kiện địa lý vùng, chất đất; cây nhãn không phải là cây ăn quả chủ lực trên địa bàn, nên chưa có quy hoạch phát triển mà người dân chủ yếu trồng theo sở thích, tự phát và được trồng rải rác trong các vùng quê; khi đó sự hiểu biết của người dân về giống cây trồng còn hạn chế, nên các cây nhãn chủ yếu là giống nhãn thóc, nhãn nước, quả nhỏ, cùi mỏng; mặt khác, đa số các cây nhãn được trồng đã lâu năm lại không được quan tâm đầu tư chăm sóc, cắt tỉa, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… nên cây trở nên cằn cỗi, thoái hóa dẫn đến chất lượng quả không ngon.
Để giải quyết những vấn đề trên, cần có chiến lược lâu dài trong việc phát triển cây ăn quả nói chung và cây nhãn nói riêng, mà cụ thể là nâng cao vai trò của Hội làm vườn tỉnh. Trước mắt cần có những lớp tập huấn kỹ thuật làm vườn, cải tạo vườn tạp cho người nông dân. ứng dụng rộng công nghệ chiết, ghép để cải tạo cây ăn quả nói chung và cây nhãn nói riêng...nhằm tạo ra những loại quả chín sớm, có năng suất, chất lượng.
Nâng cao giá trị của kinh tế vườn, đây cũng là hướng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng tiêu chí thu nhập cho người nông dân trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng như việc thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Ninh Bình.
0 nhận xét: