Đắk Lắk hiện đang bước vào chính vụ thu hoạch sầu riêng. Vụ thu hoạch năm nay có sự khác biệt từ chất lượng đến giá cả tạo nên sự sôi động, nhộn nhịp cho thị trường.
Phân loại sầu riêng tại một điểm thu mua ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắc.
Dạo quanh các khu chợ hay dọc các tuyến đường trên địa bàn tỉnh những ngày này dễ dàng bắt gặp hình ảnh các tiểu thương bày bán đủ loại sầu riêng. Hiện tại, giá sầu riêng có giảm so với đầu vụ, nhưng vẫn dao động từ 25.000-63.000 đồng/kg, trong đó giá sầu riêng óc khỉ, khổ qua 25.000-30.000 đồng/kg; chín hóa 30.000-40.000 đồng/kg; Ri6 50.000-60.000 đồng/kg, DONA 62.000-63.000 đồng/kg… Bà Nguyễn Thị Thái (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, gia đình bà có 10 cây sầu riêng địa phương trên 15 năm tuổi. Những năm trước thu về bình quân khoảng 1 tấn sầu riêng, với giá bán dao động từ 15.000-25.000 đồng/kg thì gia đình lời khoảng 150 triệu đồng. Năm nay thời tiết diễn biến bất thường khiến sầu riêng bị rụng nhiều, thậm chí chỉ còn chưa đến chục trái trên mỗi cây nhưng giá bán cao hơn năm ngoái từ 10.000-15.000 đồng/kg nên gia đình bà vẫn có thu.
Cùng với sầu riêng địa phương, năm nay các giống sầu riêng chất lượng cao cũng đắt khách bởi “đẳng cấp” cơm vàng hạt lép của nó. Hiện tại, giá sầu riêng cơm vàng hạt lép Ri6 tuy có giảm so với đầu vụ (tháng 6 là 70.000-80.000 đồng/kg) nhưng vẫn cao hơn năm ngoái từ 10.000-15.000 đồng/kg và lượng hàng bán đi rất chạy. Theo ghi nhận, hầu hết các vườn sầu riêng Ri6 và sầu riêng địa phương đều đã được thương mại trong nước bởi đặc tính chín sớm, trọng lượng quả, giá cả vừa phải so với túi tiền của người tiêu dùng.
Sầu riêng thường được đóng vào sọt để vận chuyển đến các thị trường lân cận.
Chủ một cơ sở kinh doanh trái cây ở phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột cho hay, sầu riêng vốn là loại trái cây đặc sản của miền nhiệt đới, có mùi đặc trưng riêng “kén” người thưởng thức và cũng rất ít người có đủ khả năng kinh tế để mua bởi giá mỗi quả sầu riêng bình quân trên dưới 100.000 đồng, thậm chí hơn nửa triệu đồng/quả. Những năm gần đây, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, chủng loại sầu riêng phong phú với từng mức giá khác nhau, việc vận chuyển cũng thuận lợi hơn nên người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận. Hiện tại bình quân mỗi ngày cơ sở của bà xuất bán khoảng 1 tấn sầu riêng cho người dân địa phương cũng như xuất đi các tỉnh thành khác trên cả nước.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 4.000 ha sầu riêng, tập trung ở TP. Buôn Ma Thuột, huyện Krông Năng, Krông Pắc, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ…
Còn tại huyện Krông Pắc - vựa sầu riêng của tỉnh với 1.000 ha chủ yếu là giống DONA - cũng đang bắt đầu mùa vụ thu hoạch mới. Các thương lái đổ dồn về đây thuê và xây dựng mặt bằng để tiếp nhận, phân loại trước khi vận chuyển đến người tiêu dùng. Năm 2017, người trồng sầu riêng thắng lớn khi được mùa, được giá nên năm nay công tác chăm sóc, thu hoạch được bà con chuẩn bị chu đáo hơn. Đặc biệt là người dân đã biết khai thác vườn cây hợp lý, hạn chế tối đa việc dùng thuốc hóa học, thuốc kích thích, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ để bảo vệ sự bền vững của vườn cây nhưng nhiều vườn năng suất vẫn đạt khoảng 20 tấn/ha. Để mua được hàng, ngay từ đầu tháng 5, tháng 6 đã có một số thương lái đến tận vườn khảo sát và đặt cọc cho người dân với giá dao động từ 45.000-49.000 đồng/kg, nhưng nhiều nhà vườn vẫn không mấy mặn mà. Hiện tại, giá sầu riêng cắt tại vườn đã lên đến 60.000-62.000 đồng/kg, tùy vào khoảng cách từ vườn cây đến điểm tập kết.
Vườn sầu riêng đang trong thời kỳ thu hoạch ở Đắk Lắk.
Để bảo vệ vườn cây mùa trái chín và thực hiện đúng kỹ thuật thu hoạch, các nhà vườn cắt cử người túc trực tại vườn thường xuyên và hỗ trợ thương lái bảo vệ nông sản. Các vựa trái cây cũng tăng cường nhân công tiếp nhận, kiểm tra, phân loại sầu riêng trước khi vận chuyển vào kho. Theo đó, cứ có thương lái mang sầu riêng đến là cơ sở tiếp nhận, phân loại, đóng gói những lô hàng chín sớm vận chuyển đi các tỉnh lân cận tiêu thụ, còn hàng DONA chủ yếu được xuất khẩu ra nước ngoài. Một chủ vựa sầu riêng xuất khẩu tại xã Ea Yông cho hay, sầu riêng là trái cây đặc sản, phục vụ khách hàng cao cấp, khó tính, đến tận tay người tiêu dùng phải giữ nguyên hương vị, diện mạo bên ngoài nên việc phân loại, đóng gói, vận chuyển quyết định đến sự thành công của mỗi lô hàng. Vì vậy, trước khi cho vào container, sầu riêng được vệ sinh sạch sẽ, rải đều trên các giá đỡ và quạt 24/24 bảo đảm sự thông thoáng, ổn định để khi vận chuyển đến tay người tiêu dùng thì quả sầu riêng vừa chín hoặc chỉ một vài ngày sau sẽ chín.
Ông Đoàn Doãn Toản, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc phấn khởi cho biết, các vườn sầu riêng trên địa bàn chủ yếu được trồng vào những năm 2004, 2005 nên hiện tại đang trong giai đoạn kinh doanh sung sức với gần 700 ha cho sản phẩm, năng suất bình quân 17-20 tấn/ha. Đây là một trong những nguồn thu lớn góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương phát triển. Để duy trì và khai thác hiệu quả lợi thế đó, huyện đã có khuyến cáo người dân khai thác hợp lý, chú ý chăm sóc vườn cây sau thu hoạch…
0 nhận xét: