Khai thác thế mạnh của vùng gò đồi, 3 năm trở lại đây, xã Hải Lâm huyện Hải Lăng đã thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cây trồng trên vùng gò đồi theo chủ trương xây dựng mô hình 3 cây của huyện Hải Lăng. Đây cũng là địa phương đột phá trong việc hỗ trợ cho nông dân phát triển diện tích cây cam trên vùng gò đồi.
Vợ chồng ông Nguyễn Minh Thoản chăm sóc vườn cam.
Ông Nguyễn Minh Thoản là hộ đầu tiên tiên phong lên vùng gò đồi của xã Hải Lâm để lập trang trại trồng cam. Ông Thoản cho biết: Trước đây gia đình ở vùng đồng bằng đất đai ít làm ăn khó khăn chỉ sản xuất lúa không đủ trang trại kinh tế gia đình chưa nói đến việc phát triển. Vì thế ngay khi được xã hỗ trợ việc tham quan tìm hiểu mô hình trồng cam ở tỉnh Nghệ An và ở vùng K4 xã Hải Phú, ông đã bàn bạc với vợ con vay thêm vốn mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng để lập trang trại trồng cam từ giống cam V2 - Vân Du Nghệ An vào trồng trên đất đồi.
Hiện 3 héc ta cam của gia đình ông đã cho thu hoạch đạt 30% sản lượng, sang năm 2019 sẽ thu khoảng 50%. Giống Cam V2 - Vân Du, Nghệ An rất thích hợp với vùng đất đồi Hải Lâm còn được tiêu thụ rất tốt trên địa bàn. Bên cạnh cây cam gia đình ông còn thu nhập khá từ cây bắp, đậu, dưa.. theo mùa nên gia đình cũng đã có thu nhập khá từ vùng đồi .
Hiện tại, vùng đồi xã Hải Lâm đã trồng được 10 héc ta cam với 8 hộ tham gia, bước đầu hứa hẹn đem lại hiệu quả tốt. Điều đáng ghi nhận là cùng với chính sách chung của huyện Hải Lăng theo Nghị quyết chuyên đề về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thì xã hải Lâm cũng đã ứng dụng chính sách hỗ trợ cho bà con khi phát triển cây trồng chủ lực là cây cam. Cụ thể, để hỗ trợ cho bà con trồng cam tập trung, xã hỗ trợ 2,2 triệu đồng / héc ta, với loại cây khác một cây hỗ trợ 10.000 đồng từ vốn ngân sách, từ nguồn vốn nông thôn mới hỗ trợ 7-10 triệu đồng/ hộ.
Kiểm tra sinh trưởng của cây cam ở vùng đồi xã Hải Chánh, Hải Lăng.
Không chỉ tại xã Hải Lâm, tại vùng gò đồi Hải Lăng hiện đã có các loại cây chủ lực trồng tập trung với diện tích khá lớn như cam 45 héc ta, 70 ha cây hồ tiêu, 250 ha cao su, hơn 50 ha cây chè xanh tập trung chủ yếu ở 7 xã có vùng gò đồi như: Hải Phú, Hải Thượng, Hải Lâm, Hải Thọ, Hải Trường, Hải Sơn, Hải Chánh bước đầu đã đem lại hiệu quả trong sản xuất, sản lượng và tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho nông dân. Ngoài ra, huyện Hải Lăng cũng đang tập trung vào trồng cây lâm nghiệp theo chứng chỉ FSC. Đây là hướng đi hiệu quả và mang tính bền vững của huyện Hải Lăng trong chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, phấn đấu nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác đến năm 2020 đạt 80-90 triệu đồng/ha.
0 nhận xét: