Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Lệ Thủy phát triển mô hình trồng dưa lưới

Từ sản phẩm dưa lưới của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Kiến Giang ở xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy có thị trường tiêu thụ lớn, được người tiêu dùng ưa thích, hiện nay, huyện Lệ Thủy đang đẩy mạnh việc trồng dưa lưới trong nhà màng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của địa phương.
Đặc sản Quảng Bình, Trái cây Quảng Bình, Trái cây miền Trung, nông nghiệp công nghệ cao, dưa lưới Ngư Thủy Bắc, dưa lưới Thanh Thủy, dưa lưới Tân Thủy, dưa lưới Lệ Thủy, dưa lưới Quảng Bình, trồng dưa lưới
Mô hình dưa lưới của chị Lê Thị Loan (xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy).
Từ vùng đất cát phía Đông của huyện Lệ Thủy khô cằn, nắng gió, chị Dương Thị Vinh ở xã Thanh Thủy, một thành viên thuộc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kiến Giang đã mạnh dạn đầu tư gần 650 triệu đồng để xây dựng mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đầu tiên trên địa bàn.

Vụ đầu, gia đình chị Vinh trồng hơn 6.600 gốc dưa trong hệ thống 6 nhà màng với tổng diện tích 3.000m2. Chị đã chọn giống dưa nhập khẩu từ Malaysia, Nhật Bản và Israel...và áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt kỹ thuật cao của Israel.

Trung bình một nhà màng cho 1 tấn dưa, nặng từ 1,2-1,8kg/quả. Với giá bán ra dao động từ 45.000đ – 55.000/kg, vườn dưa cho doanh thu trên 270 triệu đồng, mang lại lợi nhuận không nhỏ cho gia đình chị.

Nắm bắt được nhu cầu thị trường ưa chuộng sản phẩm nông nghiệp sạch, vợ chồng anh Ngô Trí Quang và Nguyễn Thị Ngọc Nhung ở xã Ngư Thủy Bắc đã mạnh dạn đầu tư 750 triệu đồng xây dựng nhà màng trên diện tích 2.000m2 cùng với hệ thống tưới nước tự động để gối vụ dưa lưới, cà chua với các loại rau sạch khác. Đây là vụ dưa thứ 2 gia đình anh quyết định mở rộng diện tích để nâng cao thu nhập.

Anh Quang cho biết: “Trồng dưa lưới trong nhà màng giúp dưa cách ly với côn trùng gây bệnh, tránh được tác động của thời tiết đến cây trồng, nên cây dưa phát triển tốt, mang lại năng suất cao hơn so với bên ngoài, chất lượng bảo đảm”. Vườn dưa của anh Quang có 4.500 gốc dưa với các loại giống Bảo Khuê, Chu Phấn.

Trong quá trình cây ra quả, anh Quang chỉ giữ lại 1 – 2 quả/mỗi cây, nhằm hạn chế tiêu hao năng lượng, cho cây khỏe, quả to...Sản lượng toàn bộ vườn dưa ước đạt 5 tấn. Dưa được tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng rau quả sạch trong tỉnh và thành phố Hà Nội, doanh thu đạt khoảng 200 triệu đồng/vụ.
Đặc sản Quảng Bình, Trái cây Quảng Bình, Trái cây miền Trung, nông nghiệp công nghệ cao, dưa lưới Ngư Thủy Bắc, dưa lưới Thanh Thủy, dưa lưới Tân Thủy, dưa lưới Lệ Thủy, dưa lưới Quảng Bình, trồng dưa lưới
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân ở huyện Lệ Thủy.
Hiện nay, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ở Lệ Thủy không chỉ trồng được ở vùng đất cát, như: xã Ngư Thủy Bắc và Thanh Thủy, mà còn hiệu quả ở vùng đất thịt. Chị Lê Thị Loan ở thôn Tân Lộc, xã Tân Thủy phấn khởi trước vụ dưa lưới đầu tiên: “Được huyện hỗ trợ một nửa số vốn, tôi và các con xây dựng 500m2 nhà màng để trồng dưa lưới giống Kim Long với hơn 1.200 gốc dưa. Vụ này, gia đình thu hoạch được khoảng 2 tấn dưa quả, dưa sạch giá cả lại phải chăng nên được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn ...”.

Dưa lưới là loại cây ngắn ngày, chỉ sau 65 – 70 ngày trồng và chăm sóc đã cho thu hoạch, một năm có thể trồng được 2-3 vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích. Hơn nữa, trong khuôn viên nhà màng nếu tận dụng tối đa các yếu tố thời vụ, đất đai và nhân công... bà con có thể gối vụ trồng các loại rau màu khác, như: cà chua, mướp đắng...

Trồng thử nghiệm dưa lưới trên vùng đất đồi vụ đầu tiên, anh Võ Văn Thông ở xã Sơn Thủy cho biết: “Lợi nhuận từ mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đem lại khá cao, là tín hiệu đáng mừng trong sản xuất nông nghiệp sạch và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Tuy nhiên, việc chọn giống dưa để trồng, vốn sản xuất, diện tích đất trồng và nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm đồng loạt là những vấn đề mà người trồng đang gặp khó khăn”.

Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng NN và PTNT Lệ Thủy cho biết: “Huyện đã và đang tập trung triển khai nhiều biện pháp thiết thực, trong đó hỗ trợ một phần kinh phí cho một số mô hình điểm sản xuất của các hộ nông dân, lấy đó làm cơ sở để tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và nhân rộng các mô hình nhằm phát triển kinh tế địa phương”.

Chia sẻ

Sở hữu:

Cung cấp trái cây đặc sản Miền Tây với chất lượng hàng đầu. Cam kết không sử dụng thuốc thúc chín, chất bảo quản các loại trái cây.

0 nhận xét: