Khi những tiếng ve kêu báo hiệu một mùa hè nữa lại về, cũng là lúc mùa sầu riêng chín rộ. Ở Sóc Trăng, Kế Sách là địa phương có diện tích trồng sầu riêng nhiều nhất. Từ những ngày thượng tuần tháng 5 cho đến nay, nhiều nhà vườn đã và đang bắt đầu thu hoạch và hiện đang trong giai đoạn thu hoạch rộ.
Trong những ngày này, thương lái đã bắt đầu tìm đến các xã trên địa bàn huyện Kế Sách - nơi có hơn 300ha vườn sầu riêng để hỏi mua và đặt hàng. Vườn sầu riêng xum xuê trái của gia đình bà Trần Thị Đẹp, ở xã Xuân Hòa khá nổi tiếng xứ này. Với kinh nghiệm hơn 20 năm gắn bó với cây sầu riêng, bà Đẹp cho biết: “Dù đã trồng qua nhiều giống cây ăn trái khác nhau, nhưng tôi thấy cây sầu riêng là loại cây trồng khó chăm sóc nhất”.
Để có được vườn sầu riêng cho trái đạt chất lượng cao, vợ chồng bà Đẹp đã bỏ công mày mò, áp dụng các kỹ thuật chăm sóc cây ở từng giai đoạn khác nhau. Trao đổi với chúng tôi, bà Đẹp chia sẻ, đất trồng sầu riêng phải đảm bảo chủ động trong việc tưới và tiêu nước để đảm bảo đủ nước tưới trong mùa khô và thoát nước tốt trong mùa mưa, cũng như có thể tạo khô hạn để xử lý cây ra hoa nghịch vụ. Do đó vườn cần phải có bờ bao, cống bọng và có hệ thống mương liếp thông nhau. Nếu bố trí liếp đơn trồng một hàng thì nên làm liếp rộng 5m - 6m, mương rộng 2m - 3m; còn nếu bố trí liếp đôi trồng 2 hàng thì nên làm liếp rộng 7m - 8m, mương rộng 4m - 5m.
Cũng theo kinh nghiệm của bà Đẹp, trồng cây sầu riêng thì phải chăm sóc cẩn thận, khi cây chưa cho trái phải thường xuyên cải tạo đất, giải độc hữu cơ, hạn chế các loại nấm bệnh phát triển. Đến thời kỳ cây ra hoa, phải theo dõi chặt chẽ, tưới nước, bón phân vừa đủ mới tăng tỷ lệ đậu trái, giảm tỷ lệ rụng trái non… Với những kinh nghiệm nêu trên, nhiều năm liền, gia đình bà Đẹp đều thắng lợi từ mùa sầu riêng và gần đây nhất là trung tuần tháng 5-2018, gia đình bà vừa cắt bán lứa đầu tiên cho thương lái hơn 8 tấn sầu riêng, với giá bán tại vườn 36.000 đồng/kg, thu về lợi nhuận cả trăm triệu đồng.
Theo chia sẻ của bà con nhà vườn trồng sầu riêng ở Kế Sách, thông thường vào khoảng tháng 4 - 5 là nhà vườn bắt đầu bước vào vụ thu hoạch, chỉ cần sầu riêng chín sớm hơn những nhà vườn khác khoảng nửa tháng là năm đó “được mùa vụ bội thu”; bởi sầu riêng đầu mùa thường rất ngon, giá lại cao, trái chín đến đâu thương lái tới mua ngay tại vườn. Trồng sầu riêng đúng quy trình, sau 3 - 4 năm tuổi cây cho thu hoạch, từ năm thứ 5 - 6 trở đi cây sẽ đạt năng suất cao và ổn định. Nếu nông dân nắm vững và làm chủ kỹ thuật canh tác, thì bình quân mỗi héc-ta trồng thuần có thể đạt 30 - 40 tấn trái/năm; gặp thời tiết thuận lợi, năng suất năm sau luôn cao hơn năm trước.
Là nông dân gắn bó nhiều năm với cây sầu riêng, ông Lưu Văn Tòng ở xã Xuân Hòa chia sẻ: “Sầu riêng là giống cây ăn trái chỉ chịu nắng, không ưa mưa; nhất là mưa dầm sầu riêng sẽ bị sượng. Để sầu riêng đạt năng suất cao, những năm qua các nhà vườn ở đây đã sử dụng giống chất lượng cao, như: Monthong, Ri6, cơm vàng sữa hạt lép (sầu riêng Chín Hóa)… Nhiều người áp dụng các kỹ thuật cao, kích thích tăng trưởng để thu hoạch sớm”. Cũng theo ông Tòng, khi cây sầu riêng đã ra hoa, cho trái thì hầu như việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh là rất quan trọng; hầu như ngày nào nhà vườn cũng có mặt tại vườn để theo dõi cẩn thận. Khi trái sầu riêng đạt trọng lượng từ 1kg trở lên là lúc nông dân tiến hành chăng dây giữ cành; bởi một cành thường nhiều trái, khi chín đạt trọng lượng lớn nếu không chăng dây bảo vệ thì cành sẽ gãy, gây thiệt hại.
Sầu riêng hiện là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều nhà vườn ở các xã: Ba Trinh, Trinh Phú, Nhơn Mỹ, Xuân Hòa… Nếu những loại cây trồng khác, như: mít, xoài, ổi và cây có múi bị người dân chặt bỏ thì sầu riêng vẫn là cây làm giàu của người dân. Do giá bán không “loạn xạ” như các loại khác nên nhiều nhà vườn trồng sầu riêng đều có cuộc sống sung túc.
“Với diện tích 3,6 công đất, gia đình tôi trồng hơn 40 gốc sầu riêng giống Ri6 và Monthong, dự kiến đến Tết Đoan ngọ (mùng 5-5 âm lịch) sẽ cắt bán. Nếu giá ổn định từ 45.000 đồng/kg (giống Ri6) và 50.000 đồng/kg trở lên (giống Monthong) thì nhà vườn đã có khoản lời khá” - ông Tòng vui vẻ cho biết thêm.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các viện, trường tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật xử lý ra hoa sớm, hoa mùa nghịch, kỹ thuật phòng chống hạn, mặn và các biện pháp phòng, trị một số bệnh phổ biến trên cây sầu riêng. Theo nhận định của ngành chức năng, do là loại cây trồng khó tính, khó trồng, nhưng giá trị kinh tế mà cây sầu riêng mang lại khá ổn định, ít rớt giá bất thường so với các loại cây trồng khác nên hiện nay, nhiều nhà vườn đã chuyển từ cây kém hiệu quả sang trồng cây sầu riêng. Ngành nông nghiệp đã khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng ở những vùng đất nhiều hữu cơ.
0 nhận xét: