3 năm trở lại đây, diện tích và sản lượng bưởi ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành có xu hướng giảm do cây bị lão hóa, ảnh hưởng thời tiết làm phát sinh mầm bệnh. Chính quyền và bà con nơi đây đang khẩn trương khôi phục và phát triển lại vùng bưởi Năm Roi nổi tiếng của địa phương.
Cán bộ kỹ thuật, chính quyền địa phương luôn đồng hành cũng bà con trong lộ trình khôi phục lại diện tích bưởi Năm Roi. |
Để từng bước khôi phục lại loại cây ăn trái truyền thống này, thực hiện theo quy hoạch tổng thể của ngành nông nghiệp huyện Châu Thành, xã Phú Tân đang ra sức vận động, hỗ trợ người dân. Trước mắt là thực hiện nhiều biện pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, xây dựng mô hình trẻ hóa vườn bưởi theo hướng an toàn, bền vững. Ông Trần Văn Chuộc, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân, cho biết: Hiện nay, xã đã xây dựng được nhiều mô hình điểm về trồng bưởi Năm Roi và đây cũng là điểm tham quan học hỏi của bà con trong xã. Từ hiệu quả mô hình, xã sẽ tính toán kinh phí, đề nghị hỗ trợ từ các cấp và ngành nông nghiệp để nhân rộng.
Thực hiện mô hình, ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Trái cây tạo hình ở ấp Phú Trí A đã trồng mới được 4,5 công bưởi Năm Roi. Vườn bưởi đến nay đã được 11 tháng tuổi, đang phát triển tốt. Ông Thành chia sẻ: “Bưởi của gia đình và bà con xung quanh đã thoái hóa gần hết. Độ tuổi các vườn bưởi có trên 30 năm nên giải pháp tốt nhất là cải tạo đất thì mới canh tác có hiệu quả”.
Chính vì vậy, ông Thành đã tìm đến tận những vườn bưởi đầu dòng để tìm mua giống chất lượng. Trên nền đất cũ, bằng kinh nghiệm trồng bưởi mấy mươi năm nay cùng với khoa học kỹ thuật tiên tiến, ông Thành đã làm mới hoàn toàn liếp bưởi. Ông Thành cho biết cách làm: “Tôi cải tạo đất bạc màu bằng cách đốn bỏ cây, thu gom cây bưởi lão đốt hết để diệt mầm bệnh. Sau đó, đào hố lấy đất cũ bỏ thay một lớp đất sình mới, kết hợp với xử lý vôi 2 lần. Khi chuẩn bị đặt cây giống thì bón phân trùng quế được nuôi bằng phân bò, kết hợp xử lý nấm trichoderma”. Bằng cách làm này mà những cây bưởi được trồng trên nền đất cũ với dưỡng chất mới đầy đủ nên phát triển tươi tốt. Ngoài ra, mô hình của ông còn được trồng xen hai hàng bưởi da xanh, mãng cầu Thái để tận dụng đất trống lấy ngắn nuôi dài trong thời gian chờ thu hoạch bưởi Năm Roi. Ông Thành cũng tiết lộ thêm là sẽ mở rộng 4,5 công đất nữa để tiếp tục canh tác bưởi Năm Roi theo phương pháp này.
Được biết, diện tích bưởi Năm Roi của các thành viên trong CLB có gần 26ha, nhưng hiện nay có hơn 2/3 cây bị lão hóa, cần được trồng mới. Tuy nhiên, vì sức hút của thị trường và giá cả hấp dẫn nên nhiều nhà vườn trong CLB cũng như trong xã bắt đầu chuyển sang trồng mít Thái. Đây là bài toán nan giải trong quá trình thực hiện quy hoạch nông nghiệp của xã. “Chúng tôi đã đề nghị các trưởng ấp rà soát lại diện tích bưởi và mít Thái mà bà con đang trồng. Thường xuyên khuyến cáo nhà vườn đừng ham giá mít cao để tránh thiệt hại về lâu dài. Song song đó, cử cán bộ kỹ thuật đến vận động, hướng dẫn bà con làm mô hình điểm để có hiệu quả mà nhân rộng”, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân Trần Văn Chuộc cho hay.
Cán bộ kỹ thuật xã Phú Tân Trần Ngọc Trâm cho biết: Hiện nay, diện tích bưởi Năm Roi toàn xã chỉ còn 456ha, giảm hơn 1/2 lần so với cách đây 4 năm. Theo quy hoạch, trong năm 2018, xã vận động bà con trồng mới diện tích bưởi lên 650ha và đạt 800ha vào năm 2019; đến năm 2020, vùng bưởi được quy hoạch đạt 1.160ha. Tuy nhiên, hiện nay công tác vận động không phải dễ. Chính vì vậy, cán bộ xã luôn đồng hành với bà con, sâu sát để nhà vườn nắm rõ kỹ thuật và thấy được lợi ích lâu dài mà thực hiện có hiệu quả.
Hiện nay, diện tích mít Thái của xã đã tăng lên gần 100ha, cho nên xã đang ra sức vận động bà con thực hiện theo quy hoạch. “Trước mắt là gìn giữ được vùng bưởi của xã. Về lâu dài sẽ tạo được nguồn kinh tế ổn định cho bà con mà không lo giá cả, đầu ra bấp bênh như trồng mít Thái. Bên cạnh đó, chính quyền sẽ đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để hộ dân vay vốn, kỹ thuật cải tạo lại đất, trồng mới lại diện tích vườn bưởi”, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Văn Chuộc khẳng định.
0 nhận xét: