Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

Làm giàu nhờ trồng cây xoài cát Hòa Lộc

Là hộ đầu tiên áp dụng thành công mô hình trồng xoài cát Hòa Lộc tại vùng đất biên giới, hiện ông Nguyễn Văn Cò (thôn Ba Tri, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) đang từng bước làm giàu với loại cây này.
Đặc sản Đắk Lắk, Trái cây Đắk Lắk, Trái cây cao nguyên, Trái cây Tây Nguyên, xoài Cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan, xoài Thái Lan, xoài Ea Bung, xoài Ia Lốp, xoài Ea Súp, xoài Daklak, xoài Đắk Lắk, trồng xoài
Vườn xoài đang cho thu hoạch của hộ ông Nguyễn Văn Cò.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn xoài trĩu quả, ông Nguyễn Văn Cò kể, năm 2004, gia đình ông rời Bến Tre lên địa bàn thôn Ba Tri sinh sống, làm ăn. Sau nhiều năm “đánh vật” với cây lúa nhưng cũng chỉ đủ ăn khiến ông trăn trở, tìm cách để chuyển đổi cây trồng phù hợp, nâng cao thu nhập cho gia đình. Nhận thấy đất ở đây chủ yếu là đất cát, rất phù hợp với cây xoài nên năm 2014 gia đình ông Cò mạnh dạn đầu tư trồng xoài cát Hoà Lộc. Gia đình đã đầu tư khoảng 50 triệu đồng để trồng 600 gốc xoài cát Hòa Lộc xen với cây na. 

Đến năm 2017, 600 cây xoài của gia đình ông Cò phát triển tốt, cho thu bói được 3 tấn, với giá bán 20.000 - 25.000 đồng/kg,  gia đình ông thu được gần 100 triệu đồng. Từ hiệu quả kinh tế cao của cây xoài, ông quyết định chặt hết cây na, trồng thêm 1.400 xoài cây con.

Theo ông Cò, trồng xoài trên diện tích rộng cũng khá vất vả, vì khi tưới nước  phải kéo ống đến từng hàng cây nên rất bất tiện, chi phí khá lớn. Để khắc phục những khó khăn trên, năm ngoái gia đình ông đã đầu tư 50 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt dưới gốc cây, giảm thiểu công sức lao động, vừa tiết kiệm nước, lại giảm 30% chi phí. Sau khi có hệ thống này, lượng nước tưới và phân bón đều đặn nên cây phát triển tốt, đồng đều, ít sâu bệnh và cho năng suất, sản lượng cao gấp 2 lần so với trước đây. 
Đặc sản Đắk Lắk, Trái cây Đắk Lắk, Trái cây cao nguyên, Trái cây Tây Nguyên, xoài Cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan, xoài Thái Lan, xoài Ea Bung, xoài Ia Lốp, xoài Ea Súp, xoài Daklak, xoài Đắk Lắk, trồng xoài
Các trang trại trồng xoài đều chưa phát huy hiệu quả do tính liên kết còn lỏng lẻo.
Đến nay, 600 gốc xoài đã cho năng suất ổn định, sản lượng đạt khoảng 10 tấn. Vườn xoài của gia đình được nhiều thương lái từ  Đồng Nai,  Nha Trang đến thu mua, với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg, gia đình thu về khoảng 250 triệu đồng. Sau đợt thu hoạch này, đến tháng 6 vườn xoài sẽ được ông cắt tỉa cành, xử lý kỹ thuật cho ra hoa để phục vụ trái cây cho dịp Tết Nguyên đán 2019. Nhận thấy trồng xoài cát Hòa Lộc đạt hiệu quả kinh tế cao, hợp với điều kiện thời tiết, đất đai vùng này nên gia đình ông Cò đang tiếp tục mở rộng diện tích thêm khoảng 4-5 ha xoài trên địa bàn xã.

Không chỉ phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, ông Cò còn vận động các hộ nhân rộng mô hình trồng xoài cát Hòa Lộc được 30 ha, hiện đang chuẩn bị xuống giống. Ông chia sẻ, để thực hiện tốt khâu trồng, chăm sóc vườn cây, trước tiên cần chọn cây giống bảo đảm; tưới tiêu, bón phân hợp lý. Đặc biệt, không nên lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, gây ảnh hưởng tới sự an toàn, chất lượng của trái; các nhà vườn nên bao bọc quả khi còn non, phòng ngừa sâu đục, ruồi vàng đốt; lựa chọn bao giấy không thấm nước, có thể sử dụng lại nhiều lần để giảm bớt chi phí… 

Tuy nhiên, điều khiến ông lo lắng hiện nay là để cây xoài thực sự gắn bó, mang lại hướng thoát nghèo và làm giàu bền vững cho nông dân vùng biên, điều quan trọng là làm sao giúp ổn định đầu ra sản phẩm cho người dân. Vì vậy ông rất mong muốn các ngành chức năng sớm rà soát, nắm bắt nhu cầu thị trường để thông tin cho bà con nông dân. Đồng thời có định hướng để các nhà vườn liên kết lại với nhau, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, đơn vị thu mua, tạo thành một chuỗi khép kín trong sản xuất và tiêu thụ. Có như vậy, cây xoài ở vùng biên mới phát triển bền vững.

Chia sẻ

Sở hữu:

Cung cấp trái cây đặc sản Miền Tây với chất lượng hàng đầu. Cam kết không sử dụng thuốc thúc chín, chất bảo quản các loại trái cây.

0 nhận xét: