Thứ Năm, 10 tháng 5, 2018

Hiệu quả từ trồng sầu riêng trên đất mía

Từ một số mô hình trồng sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao, những năm gần đây, người dân xã Ðạ Oai (huyện Ðạ Huoai) đã đồng loạt chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả như mía, cây điều già cỗi… sang trồng sầu riêng ghép để phát triển kinh tế. Hiện tại, những mô hình sầu riêng cho thu hoạch tại địa phương đã khẳng định được chỗ đứng khi giá trị kinh tế mang lại cao hơn gấp nhiều lần so với các cây trồng khác.
Đặc sản Lâm Đồng, Trái cây Lâm Đồng, Trái cây tây nguyên, trái cây cao nguyên, sầu riêng Ðạ Oai, sầu riêng Hà Lâm, sầu riêng Phước Lộc, sầu riêng Đạ M’ri, sầu riêng Đạ P’Loa, sầu riêng Ðạ Huoai, sầu riêng Lâm Đồng, trồng sầu riêng
Trồng sầu riêng ghép chất lượng cao tại xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai.

Thôn sầu riêng


Hiện nay, tại “thủ phủ” sầu riêng Đạ Huoai, ngoài các xã phía Bắc có diện tích sầu riêng lớn như Hà Lâm, Phước Lộc, Đạ M’ri hay Đạ P’Loa thì cây sầu riêng đang “bén rễ” mang lại hiệu quả cao tại một số xã phía Nam trong đó có Đạ Oai. Cũng như các xã phía Bắc, thì trước đây xã Đạ Oai được xem là địa phương chuyên canh cây mía với diện tích mía lên đến gần 200 ha. Cùng với đó, Đạ Oai còn có diện tích cây điều khá lớn với gần 900 ha. Song, do hiệu quả kinh tế từ cây mía và những diện tích điều già cỗi mang lại không cao, nên những năm gần đây người dân địa phương đã chuyển đổi qua trồng một số cây trồng có giá trị kinh tế cao như dâu tằm và sầu riêng. Theo thống kê, hiện tại, xã Đạ Oai đang có hơn 100 ha sầu riêng ghép các giống Thái Lan như Mong Thong và Ri6; trong đó, có gần 24 ha đang cho thu hoạch. Sầu riêng được người dân trồng hầu hết ở tất cả 7/7 thôn của xã, nhưng tập trung chủ yếu tại Thôn 1 với gần 80 ha. Vì vậy, đây được xem là thôn sầu riêng của xã Đạ Oai.

Theo người dân Thôn 1 (xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai), từ năm 2010 trở về trước, cùng với cây điều thì mía được xem là cây trồng chủ lực “xóa đói, giảm nghèo” của người dân địa phương. Nhưng do giống mía bị thoái hóa, năng suất thấp cùng với giá cả thường xuyên biến động nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Trong khi chính quyền địa phương chưa biết chọn cây trồng gì để thay thế cây mía, thì một số hộ dân nơi đây đã mạnh dạn đưa cây sầu riêng vào trồng với mong muốn phá vỡ thế “độc canh” cây mía để phát triển kinh tế gia đình. 

Ông Nguyễn Văn Thanh, một trong những người tiên phong đưa cây sầu riêng vào trồng trên đất mía (ở Thôn 1, xã Đạ Oai) chia sẻ: “Gia đình tôi có 2 ha đất sản xuất nông nghiệp, trước đây chủ yếu độc canh cây mía. Năm 2010, khi giá mía xuống quá thấp, làm không có lãi nên tôi đã quyết định chuyển toàn bộ diện tích đất sản xuất qua trồng sầu riêng ghép các giống Thái Lan. Sau khi xuống giống, tôi đã tìm đến các mô hình sầu riêng ở xã Hà Lâm để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cây và dưỡng trái. Nhờ thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp cùng với cách chăm sóc đúng quy trình nên vườn sầu riêng gia đình tôi cứ thế phát triển, xanh tốt ngút ngàn. Bước sang năm thứ 4, vườn sầu riêng gia đình tôi bắt đầu cho trái bói. Từ năm 2016 đến nay, cứ mỗi năm vườn sầu riêng gia đình tôi cho thu hoạch từ 35-40 tấn trái. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi thu lãi hơn 1 tỷ đồng”.

Ngoài gia đình ông Thanh thì Thôn 1 (xã Đạ Oai) còn có hơn 15 ha sầu riêng của người dân đã cho thu hoạch, với năng suất bình quân từ 14-16 tấn trái/ha. Cùng với đó, Thôn 1 còn có hơn 60 ha sầu riêng đã trồng từ 1-3 năm (trung bình từ 5 sào - 2 ha/hộ). Với diện tích sầu riêng hiện có, hứa hẹn trong 2-3 năm tới cuộc sống của người dân nơi đây sẽ được nâng lên.
Đặc sản Lâm Đồng, Trái cây Lâm Đồng, Trái cây tây nguyên, trái cây cao nguyên, sầu riêng Ðạ Oai, sầu riêng Hà Lâm, sầu riêng Phước Lộc, sầu riêng Đạ M’ri, sầu riêng Đạ P’Loa, sầu riêng Ðạ Huoai, sầu riêng Lâm Đồng, trồng sầu riêng
Huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng vốn được coi là thủ phủ của cây sầu riêng ở vùng Tây nguyên.

Người dân đang đi đúng hướng


Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Đạ Huoai trong chiến lược chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao vào trồng để thay thế các cây trồng kém chất lượng, năng suất thấp thì diện tích cây sầu riêng ở xã Đạ Oai không ngừng tăng lên. Như đã nói, đến nay, xã Đạ Oai đã có hơn 100 ha sầu riêng ghép các giống Thái Lan và con số này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Dần (ngụ tại Thôn 3, xã Đạ Oai) cho hay: “Trước đây, cả năm, hơn 8 sào mía của gia đình tôi chỉ cho thu nhập hơn 20 triệu đồng. Nhưng sau hơn 5 năm được địa phương hỗ trợ 60% tiền mua cây giống chuyển qua trồng sầu riêng, năm 2017 vừa qua gia đình tôi thu được hơn 500 triệu đồng và dự tính năm 2018 sẽ tăng lên từ 650-700 triệu đồng”.

Ông Võ Văn Đào, Chủ tịch xã Đạ Oai (huyện Đạ Huoai) cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, cho thấy định hướng của địa phương và việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân là khá thành công. Điều đó, được thể hiện rõ khi hiệu quả kinh tế mà các loại cây trồng mới như sầu riêng và dâu tằm không ngừng được nâng lên. Trước đây, toàn xã có trên 200 ha mía nhưng đến nay chỉ còn khoảng 17 ha. Con số này cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy canh tác của người dân khi mạnh dạn đưa sầu riêng và cây dâu tằm vào trồng thay thế cây mía và cây điều già cỗi”.

Theo ông Đào, những năm trước đây, khi chuyển từ trồng mía sang trồng sầu riêng và dâu tằm thì người dân địa phương được huyện hỗ trợ 60% chi phí mua cây giống. Theo định hướng của huyện Đạ Huoai thì điều vẫn được xem là cây trồng chính của địa phương. Vì vậy, xã Đạ Oai sẽ không bỏ cây điều mà đang tiến hành chuyển đổi đưa giống điều ghép vào trồng và ghép cải tạo để duy trì diện tích điều trên 800 ha. “Hiện tại, xã đang có khoảng 80-90 ha đất sản xuất nông nghiệp có thể chuyển đổi qua trồng sầu riêng. Vì vậy, trong thời gian tới, địa phương sẽ tuyên truyền, định hướng để người dân chuyển qua trồng sầu riêng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn và tham quan các mô hình trồng sầu riêng tiêu biểu để bà con học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc sầu riêng” - ông Đào cho biết thêm.

Chia sẻ

Sở hữu:

Cung cấp trái cây đặc sản Miền Tây với chất lượng hàng đầu. Cam kết không sử dụng thuốc thúc chín, chất bảo quản các loại trái cây.

0 nhận xét: